HOME :: FACEBOOK SHARE :: EMAIL

Trong Danh Chúa Giê-xu Christ, tôi xin được chia sẻ bài giảng của mục sư Chiang Ko Chang với chủ đề là

“Tại sao bạn phải lao động vất vả?”

Lao động đã trở thành bản năng thứ hai của chúng ta. Có nhiều người ngay cả khi đã nghỉ hưu rồi vẫn kiếm việc để làm, hoặc là tham gia các hoạt động giải trí. Có vẻ như là ngày nào còn sống thì chúng ta cần phải lao động. Khi chúng ta không khỏe, chúng ta có thể nghỉ ngơi vài ngày. Mới vài ngày trước tôi đã bị cảm, và nghỉ ở nhà vài ngày. Tôi nhận thấy rằng nghỉ ở nhà vài ngày như vậy thật sự rất là chán. Vậy nên ngay cả khi không làm gì cả hoặc phải ở trên giường vì bệnh thì chúng ta cũng cần tìm một việc gì đó để làm.

Ở nhà khi tôi sắp xếp kệ sách của mình, lúc đó đứa con trai lớn của tôi khoảng 4-5 tuổi đã đến tìm tôi nhưng tôi nói là con đi ra hỏi mẹ vì lúc đó tôi đang bận. Sang ngày hôm sau, tôi đã thấy nó mang một hộp đựng đầy đồ chơi và chuyển qua một bên, sắp xếp lại chúng. Sau một lúc thì lại chuyển sang nơi khác. Rồi tôi hỏi nó “Con trai đang làm gì đó?” Không ngẩng đầu lên và nó nói là “Con đang bận”. Điều này lạ thật. Hôm qua tôi đã làm như vậy với nó và hôm nay nó bắt chước lại hành động của tôi. Ngày hôm đó tôi sắp xếp lại khu làm việc của mình và bây giờ thì nó bận sắp xếp đồ của nó. Giống như là bản chất của chúng ta là lúc nào cũng bận rộn.

Khi một đứa trẻ sơ sinh vừa mới sinh ra đời thì nó cũng bắt đầu sự bận rộn rồi. Nó bận ăn và uống rồi từ từ lớn lên. Khi có thể đi và chạy, nó sẽ bận rộn để khám phá thế giới xung quanh. Khi đi học thì lại bận rộn với việc học. Sau khi tốt nghiệp, thì lại bận rộn với công việc. Rồi kết hôn thì bận rộn với gia đình của mình. Khi sinh con rồi thì con của chúng ta cũng lập lại chu kỳ lập giống như vậy. Vì vậy mà cuộc sống của con người luôn ngập tràn trong công việc. Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng có thể thấy rằng bản chất này do Chúa tạo ra. Kinh Thánh miêu tả rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Và vì vậy mà chúng ta giống với Cha của chúng ta. Chúa Giê-xu nói rằng “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy.”

Đức Chúa Trời mà chúng ta tôn thờ đó chính là Đấng sáng tạo. Ngài là Chúa thật. Ngài là Đấng đã tạo ra trời và đất và tất cả sự sống trên đất bao gồm cả sự sống của con người. Trong Sáng Thế Ký 1:27-28 nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người theo hình ảnh của Ngài. Không những chúng ta chỉ có hình ảnh của Ngài, chúng ta cũng có những tính cách của Chúa. Câu 28 nói rằng Đức Chúa Trời đã ban loài người quyền quản trị tất cả mọi vật trên đất này. Tại sao con người được quyền quản trị thế giới?

Điều này không phải từ sự tiến hóa bởi vì nguyên tắc của sự tiến hóa là sự sinh tồn, nhưng nói về sức mạnh thì chắc chắn là chúng ta không thể nào sánh được với những con thú lớn như là voi, cọp rồi. Ngay cả nếu chúng ta so sánh chúng ta với khỉ vì giữa khỉ và và người có những tính cách giống nhau, nhưng về khả năng thì loài người khác xa với khỉ. Nên nếu theo nguyên tắc này thì từ cổ xưa cho đến nay, có thể loài người đã bị loại bỏ từ lâu rồi.

Kinh Thánh nói với chúng ta rất rõ rằng đây là sự sáng tạo và sắp xếp của Đức Chúa Trời. Chúa đã tạo con người bằng đất và rồi Ngài hà sanh khí để ban hơi thở sự sống. Vì vậy mà con người có linh hồn, và từ Chúa mà ra. Chúng ta cũng đã nghe về tổ tiên của chúng ta đó là A-đam và Ê-va đã sống ở Vườn Ê-đen.

Những điều kiện gì mà Chúa đặt ra ở trong Vườn Ê-đen? Chúng ta có thể tưởng tượng khu vườn đó giống là Thiên đường nơi mà chúng ta được tự do khỏi sự lao động, được luôn luôn nghỉ ngơi. Những ai còn đi học thì sẽ nói rằng sẽ không cần phải học, không cần phải thi, chúng ta có thể tưởng tượng rằng Vườn Ê-đen là một nơi không có sự lo lắng.

Chúng ta đã đọc trong sách Sáng Thế Ký 2:15 nói rằng Ngài đã đặt sự tạo dựng của mình trong tay của con người “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn”. Ở đây miêu tả về sự lao động của con người, để con người trồng và giữ vườn. Trong câu 19 có chép rằng tất cả những loài vật trên đất phải đến trước mặt A-đam và A-đam đã đặt tên cho từng loài. Vậy nên ông đã đặt tên cho từng loài để dễ gọi chúng.

Ở đây chúng ta có thể thấy rằng loài người có những khả năng to lớn. Và con người cũng giống như Đấng sáng tạo của mình, yêu thích công việc. Vườn Ê-đen không phải chỉ là một nơi để nghỉ ngơi, không phải là nơi để con người hưởng thụ mỗi ngày vì con người vẫn phải làm việc, con người vẫn phải trồng cây và chăm sóc thú vật mà Ngài đã tạo ra. Con người cần lao động khi vừa mới sinh ra.

Nhưng trong vườn Ê-đen thì việc lao động không mệt mỏi, vì mỗi ngày con người đều có mối tương giao với Chúa. Con người có thể chia sẻ với Chúa niềm vui trong công việc của mình. Cũng giống như hôm nay khi chúng ta có thể thấy được bông trái và kết quả công việc của mình. Có thể sau những công việc đó chúng ta thấy rằng rất mệt mỏi, nhưng tương tự như công việc trong vườn Ê-đen, cảm giác đạt được những gì mình có được sau khi lao động sẽ làm thỏa lòng chúng ta. Chúng ta sẽ không cảm thấy mệt mỏi và hơn nữa chúng ta lại được thường xuyên chia sẻ với Chúa về tất cả những gì chúng ta đã làm trong cuộc sống của mình.

Tại sao công việc của chúng ta bây giờ lại trở thành lao động vất vả?

Đoạn 3 nói với chúng ta về nguyên nhân tại sao, đó là bởi vì tội lỗi. Chúng ta biết rằng trong vườn Ê-đen có cây biết điều thiện và ác. Đó là một tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đã cảnh báo loài người không được xâm phạm điều răn này. Chúa không tạo con người giống như rô-bô, Ngài muốn rằng con người có sự tự chủ để lắng nghe và vâng lời Ngài.

Như những con rô-bô mà loài người tạo ra, máy tính thực hiện việc ra lệnh theo sự chỉ dẫn của con người. Con người cố gắng tạo ra những máy tính thông minh, chúng ta có thể thấy trước được rằng tương lai sắp tới, những máy tính do con người tạo ra càng ngày sẽ càng giống như con người và được miêu tả là rất thông minh.

Nhưng Đức Chúa Trời đã tạo ra trí não cho con người. Con người có thế nghĩ, có thể quyết định và điều quan trọng hơn hết đó là con người có thể mang lại vinh quang cho Đức Chúa Trời, có thể sẵn sàng lắng nghe lời của Chúa. Đó là lý do tại sao cần phải có một tiêu chuẩn.

Tại sao những ai đi học đều cần phải trải qua kỳ kiểm tra? Bài kiểm tra để cho thấy rằng trình độ hay tiêu chuẩn của người đó ở đâu. Vào lúc đó thì cây biết điều thiện và ác chính là tiêu chuẩn, miễn sao con người không đi ngược lại với tiêu chuẩn đó thì loài người có thể hưởng thụ sự ở cùng với Chúa mãi mãi, để có niềm vui và sự thỏa lòng trong công việc. Điều gì đã xảy ra khi họ đã đi ngược lại với tiêu chuẩn này?

Chúa đã cảnh báo họ rằng không được ăn trái từ cây biết điều thiện và ác đó nếu không thì con sẽ phải chết. Và những tổ tiên của chúng ta có vẻ như là không vượt qua được sự cám dỗ và họ đã đi ngược lại với lời của Ngài. Và họ đã phạm tội.

Khi chúng ta nói về tội lỗi, chúng ta không nói về việc phạm những luật hình sự hay là phạm những tiêu chuẩn đạo đức. Tội lỗi có nghĩa rằng con người không thể đạt được tiêu chuẩn do Chúa đặt ra.

Sáng Thế Ký 3:7 trở đi nói với chúng ta rằng cả A-đam và Ê-va đều cố gắng lẩn tránh Chúa, họ cảm thấy sự xấu hổ về việc trần truồng của mình và muốn che đậy sự trần truồng đó. Điều tệ nhất của tội lỗi đó là từ đó thì mối tương giao giữa loài người và Chúa có một khoảng cách.

Chúa có biết rằng lúc đó loài người đã phạm tội khi Ngài đến tìm A-đam không? Chúa đã biết rồi và Ngài vẫn muốn cho con người có một cơ hội nữa, nhưng chúng ta cũng thấy rằng trong sự tội lỗi của mình, ông đã trốn trách trách nhiệm của mình. A-đam đã đổ cho Ê-va và Ê-va là đổ tội cho con rắn.

Vậy chúng ta hãy xem lại bản thân mình xem rằng chúng ta cũng có những đặc điểm như vậy không. Khi đứa trẻ làm sai, chúng ta không cần phải dạy nó thì nó sẽ biết để đẩy tội và trách nhiệm sang anh chị em của mình, là những người đã khiến nó làm sai. Tôi cũng đã thấy những đứa trẻ, mặc dù làm sai nhưng nó vẫn đánh ba mẹ chúng. Rất ít khi chúng ta có thể thấy một đứa trẻ dũng cảm nhận tội. Điều này cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn ở trong sự bó buộc của tội lỗi.

Khi Đứa Chúa Trời thấy con người như vậy, Ngài đã muốn ban cho loài người một cơ hội khác, nhưng con người cố gắng thoát khỏi những trách nhiệm, và đổ lỗi cho người khác. Cuối cùng, Chúa đã công bố sự phán xét của mình. Đối với phụ nữ, họ phải chịu sự đau đớn khi sinh nở, đàn ông thì phải lao động vất vả.

Sáng Thế Ký 3:17-19: “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” Ở đây nói với chúng ta hậu quả của tội lỗi đó là con người phải lao động vất vả. Nguyên tắc thì có vẻ vẫn như cũ nhưng con người phải làm việc trong sự ảnh hưởng của tội lỗi, bây giờ con người phải lao động khó nhọc vì đất cũng bị rủa sả bởi con người

“Trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn…” Có một người mới đến Hội thánh đã hỏi rằng “Tại sao Chúa lại tạo ra những điều xấu như vậy?” Nhưng ban đầu trong sự sáng tạo của Chúa, Ngài không tạo ra những điều xấu như bệnh tật, dịch bệnh và tất cả những điều gây hại đến loài người. Tất cả những điều này không được tạo ra cho đến khi con người phạm tội, đất đai bị rủa sả. Và đó là hậu quả của những điều đó. Con người phải lao động khổ nhọc và cuối cùng sẽ trở về với bụi đất. Con người phải đối diện với sự chết. Sự sống sẽ không còn nữa và linh hồn sẽ phải vào địa ngục.

Khi con người làm việc, mục đích chủ yếu là để có được địa vị hoặc sự giàu có

Con người dần dần đặt tất cả những hy vọng về việc lao động của mình vào tất cả những thứ hữu hình có thể thấy được. Và sau một thời gian dài thì con người đã quên rằng có một Chúa là Đấng sáng tạo ra mọi vật đó, rằng một ngày nào đó phải đối diện với sự kết thúc của cuộc đời mình, khi còn sống, con người luôn phải lao động khổ nhọc.

Chúng ta có thể nói rằng khi con người làm việc, mục đích chủ yếu là để có được địa vị và sự giàu có. Hoặc là muốn rằng sẽ có danh tiếng hoặc để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Họ sẽ nói “Tôi làm việc vì gia đình tôi, cho công ty tôi và vì vậy mà tôi mong muốn sẽ được mọi người nhớ đến”

Nhưng Kinh Thánh nói với chúng ta trong Truyền đạo 9:5 nói rằng “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ niệm họ đã bị quên đi.” Từ trước đến nay, có rất nhiều danh mà chúng ta vẫn nhớ hoặc tên đường được đặt cho những người quan trọng nhưng thật sự mà nói thì chúng ta không biết họ là ai và họ đã làm được những gì.

Những gia đình người Hoa thì thường có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên vì họ hy vọng rằng con cái, cháu chắt của mình sẽ nhớ đến mình. Nhưng có bao nhiêu người có thể nhớ được tên của ông nội, ông ngoại hay là ông tổ, ông tiên của mình? Những ai đã chết đi rồi thì sẽ không còn được nhớ đến nữa. Vì vậy nếu một người lao động vất vả để có được danh tiếng tốt thì một ngày nào đó điều đó cũng chỉ là vô nghĩa thôi.

Hầu hết tất cả chúng ta đều lao động vất vả để kiếm tiền. Nhưng bao nhiêu tiền mới đủ? Rồi khi không thỏa mãn với những gì mình có, khi cảm thấy rằng tiền mình không đủ để thỏa mãn những nhu cầu của mình, một vài người thậm chí còn mua vé số hay chơi cờ bạc. Nhiều người đã tự làm hại mình vì mục tiêu theo đuổi tiền bạc của mình. Trong sách Truyền đạo tôi đã có rất nhiều đoạn đề cập về sự giàu có và tiền bạc.

Ví dụ như trong sách Truyền đạo 5:10 trở đi, nói cho chúng ta về những người giàu không thể ngủ ngon được, vì họ lo lắng rằng tiền của họ hay sự giàu có của họ có thể giảm đi, hoặc là họ lo sợ rằng nó sẽ bị đánh cắp. Một vài người vì theo đuổi tiền bạc mà đã đánh đổi mối quan hệ của những thành viên trong gia đình họ.

Kết quả là, con cái của họ không thể hiểu được những khó khăn mà họ đã trải qua và chúng tiêu sạch hết tất cả những gì mà ba mẹ chúng kiếm được. Có những đứa con không hiếu thảo, nó thậm chí còn kết nối với người ngoài để lừa tiền và đe dọa những người trong nhà.

Trong Sáng Thế Ký 6:1-2, một vài người vì theo đuổi sự giàu có đã hy sinh sức khỏe của mình. Rồi họ có được gì? Một vài người nói rằng họ không muốn lo lắng gì cả họ, họ chỉ muốn kiếm tiền để họ có thể hưởng thụ cho chính mình thôi.

Trong Truyền đạo 2:10-11, “Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa thích; vì lòng ta vui vẻ vì mọi công lao của ta; và đó là phần ta đã được trong mọi công lao ta. Đoạn ta xem xét các công việc tay mình đã làm, và sự lao khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời.” tác giả cũng đề cập điều tương tự như vậy. Ông ấy nói rằng ông chẳng từ điều gì mắt mình ước ao. Vì vậy mà ông đã lao động vất vả, nhưng rồi ông cảm thấy mọi sự đều hư không. Tất cả sự giàu có và sự hưởng thụ này không thể mang lại cho ông ấy sự thỏa lòng thật sự.

Khi chúng ta đọc trong sách Truyền đạo, chúng ta cảm thấy thật tiếc cho người này. Một vài người nói tiêu cực về người này vì họ không thể hiểu được, nhưng chúng ta biết rằng tác giả của sách Truyền đạo chính là Vua Sô-lô-môn và theo những ghì được chép lại trong lịch sử đó là, ông là một vị vua rất giàu có. Là vua nên ông có rất nhiều quyền lực. Ông có trí khôn và rất giàu có nữa. Thậm chí đến bây giờ, vẫn có người cố gắng tìm kiếm kho báu của Vua Sô-lô-môn. Vua Sô-lô-môn giàu có đến đâu? Kinh Thánh cũng có nói về sự giàu có của Vua.

Trong sách 1 Các Vua 10:14-15, 21-22 miêu tả về sự giàu có của vua Sô-lô-môn. 1 Các Vua 10:14-15: “Vàng mà vua Sa-lô-môn thâu nhận mỗi năm cân đến sáu trăm bảy mươi sáu ta lâng, không kể vàng người thâu lấy nơi người buôn bán dông, và nơi sự đổi chác của kẻ thương mại, cùng vàng mà các vua A-ra-bi, và các quan tổng đốc của xứ đem nộp.” 1 Các Vua 10:21-22: “Hết thảy các chén uống của vua Sa-lô-môn đều bằng vàng, và những khí dụng trong cung rừng Li-ban đều cũng bằng vàng ròng. Chẳng có chi là bằng bạc: trong đời vua Sa-lô-môn, người ta chẳng kể bạc là chi. Vì đoàn tàu Ta-rê-si của vua mỗi ba năm một lần vượt biển với đoàn tàu của Hi-ram, đem về vàng, bạc, ngà voi, con khỉ, và con công.”

Tất cả mọi đồ dùng của vua đều làm bằng vàng. Nếu chúng ta có một cài chén hoặc ly bằng vàng thì liệu chúng ta có dám lấy ra để sử dụng không? Có lẽ là chúng ta sẽ giữ kín và khóa lại bằng chìa khóa rồi. Không thể nào có thể so sánh được với vua Sô-lô-môn vì tất cả mọi đồ dùng của vua đều được làm bằng vàng.

Chúng ta cũng vừa mới đọc rằng Vàng mà vua Sô-lô-môn thâu nhận mỗi năm cân đến sáu trăm bảy mươi sáu ta lâng. 1 Ta lâng là khoảng 30kg, nhưng cũng có người nói là 1 ta lâng là khoảng 54kg. Nếu cho là 1 ta lâng khoảng 30kg đi, thì tính ra tổng cổng đến 20,280 kg vàng. Chúng ta cũng có thể tính ngược ra ounce hoặc ra pound và so sánh với thị trường hiện tại để biết rằng mỗi năm vua Sô-lô-môn thâu được bao nhiêu vàng rồi.

Vậy nên Vua Sô-lô-môn hoàn toàn đủ điều kiện để có thể nói rằng tiền bạc không thể mang lại sự thỏa lòng cho con người. Ông ấy là người giàu có nhất trên đất này, nhưng ông vẫn cảm thấy sự trống rỗng trong tâm hồn mình.

Trong Truyền đạo 6:7, ông đã nói rằng “Mọi sự lao khổ của loài người là vì miệng mình, song không hề được thỏa nguyện.” Vì vậy khi loài người rời bỏ khỏi Đức Chúa Trời, họ không biết làm thế nào để tôn kính Ngài. Trong sự ảnh hưởng của tội lỗi, con người luôn có sự trống rỗng này mà không một thứ vật chất nào trên đất có thể thỏa lấp được.

Châm ngôn 23:4-5 nói với chúng ta rằng “Chớ chịu vật vã đặng làm giàu” hoặc không dựa vào sự khôn ngoan của riêng mình, “Vì nó hẳn có mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy”. Bất kể bạn kiếm được bao nhiêu đi nữa thì bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa lòng cả. Có một câu ngạn ngữ Đài Loan nói rằng tiền bạc có bốn chân, nhưng con người thì chỉ có 2 chân thôi. Điều này có nghĩa là gì? Liệu con người có thể đuổi được một con thú 4 chân hay không?

Ngay cả khi chúng ta đuổi theo một con chó hay một con mèo mà chúng ta nuôi ở nhà, thì chúng ta cũng không thể đuổi kịp chúng. Nên khi chúng ta miêu tả rằng tiền bạc có 4 chân, điều này có nghĩa rằng nó rất khó để chúng ta theo đuổi, chúng ta không nên ham muốn hoặc tham lam sự giàu có. Cho dù bạn có theo đuổi nhiều như thế nào đi nữa thì bạn cũng không thể nào thỏa lòng được. Nếu như vậy thì tại sao chúng ta cần phải lao động vất vả? Việc tạo dựng của Chúa cho loài người cần phải làm việc, theo sự quan sát của vua Sô-lô-môn, ông nghĩ rằng: Trong việc làm của chúng ta, chúng ta có quên Chúa không?

Thông qua việc làm của con người, Chúa muốn con người suy nghĩ xem đâu là mục đích công việc của mình? Ngay cả khi một người được cả thế giới này đi nữa thì một ngày nào đó, người đó cũng sẽ chết đi.

Ở Đài Loan, có một người doanh nhân rất giàu có và nổi tiếng tên là “Wang Yong Qing”, là người sở hữu Bệnh viện Chang Geng ở Đài Loan. Ông thậm chí còn có cả một đội y tế cho riêng mình, nhưng rồi trong thời gian ở Mỹ, ông đã bị chết do nghẹt vì đờm.

Có lẽ là ông sẽ không chết đâu nếu ông vẫn còn ở Đài Loan nhưng khi ông ở Mỹ, thì ông phải theo cách chữa trị của Mỹ. Khi ông đang trên đường đến bệnh viện thì đã quá trễ rồi. Mặc dù rất giàu có, nhưng ông cũng vẫn phải chết. Sau khi chết, con cái của ông đã cãi vã về tài sản thừa kế của ông và trong suốt giai đoạn đó đã có rất nhiều tai nạn và rủi ro với gia đình ông. Nhiều người nói rằng ông Wang sẽ thở dài nếu ông có thể thấy những điều này. Ông đã làm lụng vất vả trong suốt cả cuộc đời mình như rồi lại để lại rất nhiều những vấn đề sau khi ông ra đi.

Truyền đạo 3:10-14 – “Ta đã thấy công việc mà Đức Chúa Trời ban cho loài người là loài người dùng tập rèn lấy mình. Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được. Vậy, ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ta biết rằng mọi việc Đức Chúa Trời làm nên còn có đời đời: người ta chẳng thêm gì được, cũng không bớt chi đặng; Đức Chúa Trời làm như thế, để loài người kính sợ trước mặt Ngài”

Tất cả mọi người rồi sẽ chết nhưng Đức Chúa Trời đã khiến cho sự đời đời ở nơi lòng người, để con người có thể suy nghĩ làm thế nào để có thể sống mãi mãi và mãi mãi “Tôi làm việc suốt cả cuộc đời mình nhưng rồi tôi cũng sẽ đối diện với sự chết. Vậy nếu tôi có thể sống và gặp được Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo, để lấy lại thân phận trong khu vườn Ê-đen thì tôi sẽ không còn phải lao động khổ nhọc cho sự dư dật của cuộc sống này nữa”

Cái tôi cần đó là tấm lòng biết kính sợ Chúa. Chúng ta biết rằng trong công việc của mình, chúng ta cần phải làm việc cực lực cho một mục đích nào đó. Đức Chúa Trời đã đến thế gian này một lần, và chúng ta biết rằng đó là Chúa Giê-xu Christ. Ngài đã đến để dạy cho nhân loại biết rằng chúng ta cần phải làm việc cho cuộc sống vĩnh hằng của mình, cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Giăng 6:27 – “Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời, đã ghi ấn tín của mình.”

Chúa Giê-xu dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải làm việc cho đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời. Ngài gọi chính mình là bánh hằng sống, nghĩa rằng Ngài muốn ban cho chúng ta đồ ăn cho sự sống vĩnh hằng để linh hồn của chúng ta được cứu rỗi và ngay cả khi chúng ta còn sống thì thông qua Ngài chúng ta vẫn được gìn giữ.

Điều này cũng để nhắc nhở các Cơ đốc nhân cần phải làm việc nghiêm túc vì không có nghĩa rằng đã là người tin vào Chúa Giê-xu Christ, chúng ta không cần phải làm việc mà chỉ đợi đồ ăn đổ xuống cho chúng ta.

Vì cơ đốc nhân cần phải khôi phục lại những điều kiện để chúng ta được quay trở về vườn Ê-đen nên chúng ta cần phải làm việc nghiêm túc theo ý muốn của Chúa và rồi chúng ta sẽ trải nghiệm được niềm vui của sự đi cùng của Chúa chúng ta trong cuộc đời của mình. Trong Hội thánh ắt hẳn có rất nhiều anh chị em trong chúng ta đã từng có trải nghiệm này. Điều này không có nghĩa rằng sau khi tin vào Đấng Christ thì lập tức chúng ta sẽ trở nên giàu có, chúng ta vẫn phải làm việc, vẫn phải làm trọn bổn phận của mình.

Nhưng khi chúng ta có tấm lòng kính sợ Chúa, chúng ta sẽ không đi ngược lại với những luật pháp để kiếm được lợi riêng cho mình mà gây hại đến mọi người xung quanh. Ở Đài Loan, có những việc làm như họ trộn các nguyên liệu bằng nhựa vào đồ ăn để giảm chi phí sản xuất và có thêm nhiều lợi nhuận. Cơ đốc nhân sẽ không bao giờ được làm như vậy. Ngay cả khi chúng ta phải lao động khổ nhọc nhưng rồi Chúa sẽ chăm sóc chúng ta.

Tôi muốn chia sẻ lời làm chứng về gia đình của tôi. Ngày trước, chúng tôi đã từng sống trong một ngôi nhà rất cũ, mỗi lần trời mưa lớn thì nước đều chảy vào nhà qua những cái lỗ trên mái nhà. Rồi có lúc có những trận bão lớn, chúng tôi lúc nào cũng lo lắng rằng nhà mình sẽ bị thổi đi mất.

Mặc dù chúng tôi tin vào Chúa Giê-xu Christ, nhưng chúng tôi vẫn luôn có những lo lắng đó. Mẹ tôi lúc đó nghĩ rằng chắc phải làm gì đó để kiếm thêm để có thể xây một ngôi nhà vững chắc hơn. Lúc đó ba của tôi là một công chức với đồng lương rất ít. Ông cũng là ban chấp sự của Hội thánh.

Gia đình chúng tôi có một cửa hàng nhỏ bán gà và trứng và chúng tôi cũng thường ấp trứng. Tôi vẫn còn nhớ là mỗi một con gà nở ra được từ cái trứng thì chúng tôi kiếm được 1 đồng, nó tương đương khoảng 20 đến 30 cent Đô-la Singapore.

Bạn cũng có thể hình dung là sẽ mất rất nhiều thời gian để gia đình chúng tôi có thể tích góp đủ để xây một cái nhà mới. Tôi cũng để ý là mẹ tôi cũng thường mua vé số nữa. Nhưng tôi cảm tạ Chúa là mẹ tôi chưa bao giờ trúng vé số cả, thậm chí chỉ là một giải khuyến khích nhỏ nhất cũng không có.

Có lần tôi đã hỏi mẹ tại sao mẹ mua vé số vậy? Mẹ nói là nếu chúng ta có thể trúng một tờ vé số thôi, thì chúng ta sẽ có tiền để xây một ngôi nhà mới. Nhưng ý muốn của Chúa không phải như vậy, Chúa muốn chúng ta cần phải dựa vào chính sự lao động của mình.

Rồi gia đình của chúng tôi vẫn cố gắng tiếp tục việc kinh doanh. Cuối cùng thì gia đình của tôi cũng xó thể xây được một ngôi nhà mới khi tôi kết thúc trung học vào năm 1973. Lúc đó, mẹ tôi đã cảm tạ Chúa và bà đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của bà “Ý muốn của Chúa thật sự là toàn hảo. Nếu tôi trúng vé số thì chắc chắn là tôi sẽ có sự tham lam trong lòng tôi, và tôi sẽ không còn tập trung vào việc kinh doanh của gia đình mình nữa mà cứ tiếp tục mua vé số và có thể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của gia đình tôi”

Thật vậy, thông qua chính việc làm việc bằng đôi tay của mình, Chúa đã ban phước cho chúng tôi từng chút từng chút một để chúng tôi trân trọng và yêu mến những điều đó.

Năm 1999 có một trận động đất ở Đài Loan. Chúng tôi đã trải qua một trận động đất 5 độ richter và có sự rung chuyển rất mạnh. Tôi đã rất lo lắng vì ngôi nhà của chúng tôi lúc đó đã khoảng 20 năm rồi nên tôi gọi hỏi ba tôi rằng ngôi nhà có sao không.

Ba tôi đã trả lời “Con đã ở đây khá lâu rồi, con có nhớ là gia đình chúng ta đã xây ngôi nhà này bằng chính tiền mà chúng ta kiếm được và vì vậy mà chúng ta đã rất yêu quý ngôi nhà này. Chúng ta cũng biết rằng khu vực này thường xảy ra động đất nên trong quá trình xây dựng, ba mẹ đã nhờ kiến trúc sư đặc biệt thiết kế hai thanh kim loại chắc chắn. Con có để ý hai cột lớn ở phía trước nhà chúng ta không?”

Tôi nhận ra rằng tôi đã sống ở đây gần 20 năm rồi nhưng tôi chưa bao giờ để ý đến hai cái trụ lớn ở đó. Vì ba mẹ tôi đã dành dụm hết tất cả tiền mà gia đình tôi khó khăn mới kiếm được để xây ngôi nhà này nên ba mẹ tôi cũng suy nghĩ rất nhiều cho việc xây ngôi nhà được chắc chắn. Vậy nên bất kể những ân phước mà Chúa ban cho trong công việc lao động vất vả của gia đình chúng tôi, chúng tôi đều rất yêu quý những điều đó. Mặc dù chúng ta làm việc để cho cuộc sống vĩnh hằng sau này, nhưng ngay cả cuộc sống hiện tại, chúng ta vẫn luôn tận hưởng những lợi ích mà Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày.

Chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề này trong Phần 2. Mời các bạn mở tiếp bài tiếp theo.

 

» True Jesus Church