HOME :: FACEBOOK SHARE :: EMAIL

Trong Danh Chúa Giê-xu Christ, tôi xin được chia sẻ bài giảng của mục sư Simon Chin với chủ đề là

Những ai cầu nguyện được Chúa lắng nghe

Ai là những người cầu nguyện được Chúa lắng nghe? Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta bởi vì Ngài là Đấng đầy lòng nhân từ và thương xót. Mặc dù con người không hoàn hảo và đầy tội lỗi, Chúa vẫn luôn luôn tha thứ. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của những ai thành tâm cầu khẩn Ngài. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu trong Kinh Thánh về những lời cầu nguyện được Chúa nhậm lời.

Thi Thiên 145:17-18: “Đức Giê-hô-va là công bình trong mọi đường Ngài, Hay làm ơn trong mọi công việc Ngài. Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài”. Đoạn Kinh Thánh này được vua Đa-vít viết. Ông ấy là một người đàn ông có trái tim luôn hướng về Chúa. Mặc dù ông có tội nghịch cùng Chúa, Chúa vẫn lắng nghe lời cầu nguyện của ông và đầy lòng thương xót trên Đa-vít. Vì vậy, 2 câu trên, ông nói rằng Đức Giê-hộ-va là công bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công việc Ngài. Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài

Nhiều người cảm thấy rằng Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Ví dụ như, có rất nhiều người đã cầu nguyện xin Chúa ban cho Đức Thánh Linh trong nhiều năm nhưng vẫn không thành công. Kinh Thánh nói rõ với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài, có lòng thành thực cầu khẩn Ngài. Vì vậy, Chúa có thể nghe thấy những lời cầu nguyện của chúng ta nếu chúng ta cầu nguyện một cách chân thành.

Khi nào Chúa ban cho những gì chúng ta cầu xin? Đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của Ngài.

Nhiều người thì được Chúa trả lời những lời cầu nguyện của họ ngay lập tức. Có một chị gái trong Chúa thường xuyên phải chịu đựng cơn đau trên toàn cơ thể của mình. Bất cứ khi nào đau, chị ấy đều cầu nguyện với Chúa. Rất tuyệt vời là chỉ cần một vài lần cầu nguyện thôi, những cơn đau trên cơ thể chị hoàn toàn biến mất. Có một lần, chị bị yêu cầu phải làm phẫu thuật mắt do bị đục thủy tinh thể và chị đã cầu nguyện với Chúa, cầu xin Chúa để chị không cần phải làm phẫu thuật. Vào ngày làm phẫu thuật, những bác sĩ trước đây đã kiểm tra mắt chị, thì bây giờ lại nói rằng không cần phải làm phẫu thuật nữa vì chị vẫn có thể nhìn thấy rõ. Đó là cách Chúa trả lời lời cầu nguyện của chị ấy. Nhưng cũng có nhiều lời cầu nguyện thì không được trả lời ngay lập tức, nhưng chúng ta vẫn tin rằng Chúa vẫn trả lời lời cầu nguyện của chúng ta nếu chúng ta thành thực cầu khẩn Ngài.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục phạm tội trong cuộc sống của mình và không sẵn sàng vâng lời Chúa, hoặc chúng ta vẫn muốn đi bằng chính con đường của mình và từ chối lưu ý đến sự dạy dỗ của Ngài, thì Chúa có thể sẽ không nghe được những lời cầu nguyện của chúng ta. Ê-sai 59:1-3 – “Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa. Vì tay các ngươi đã ô uế bởi máu, ngón tay các ngươi đã ô uế bởi tội ác; môi các ngươi nói dối, lưỡi các ngươi lằm bằm sự xấu xa.”. Ở đây, Ê-sai quở trách Y-sơ-ra-ên – mặc dù họ đã làm tế lễ thiêu và cầu nguyện với Đức Chúa Trời, Chúa cũng không lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Từ những câu trên chúng ta có thể biết rằng ngay cả khi chúng ta thành thực cầu khẩn Chúa nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phạm tội trong cuộc sống của mình thì những lời cầu nguyện đó sẽ không được lắng nghe. Chúng ta phải thoát khỏi tội lỗi và sống một cuộc sống công chính theo lời Chúa.

Kinh thánh nói rõ với chúng ta rằng Chúa chỉ nghe lời cầu nguyện của một vài người thôi. Những người đó là ai? Thi-Thiên 145:19 nòi rằng “Ngài làm thỏa nguyện mọi người kính sợ Ngài; Cũng nghe tiếng kêu cầu của họ, và giải cứu cho”. Vậy chúng ta hãy trở thành người kính sợ Chúa.

Ai là người kính sợ Chúa? Đó là người có sự tôn kính Chúa trong trái tim họ

Từ kính sợ là cảm giác cực kỳ kinh hoàng và sợ hãi. Và đồng thời đó, cũng có sự tôn kính dành cho Chúa. Tại sao chúng ta có sự kính sợ này với Chúa? Đó là bởi vì Chúa rất vĩ đại. Ngài là Đấng sáng tạo và chúng ta cũng chính là sự sáng tạo của Ngài. Tất cả mọi thứ Ngài làm đều rất tuyệt vời và tình yêu của Ngài luôn dư dật. Vì vậy, chúng ta nên đáp lại Ngài bằng sự kính sợ và yêu mến Ngài với tất cả tấm lòng của chúng ta. Chúng ta nên có sự tôn kính Ngài để chúng ta sẽ không phạm tội nghịch cùng Chúa và sẽ luôn luôn bước đi trên con đường làm Chúa vui lòng.

Chúng ta cần phải lưu ý đến sự phán xét của Chúa. Chúa là công chính, Ngài phán xét và thưởng cho những ai công chính. Vì vậy nếu chúng ta biết làm thế nào để kính sợ Chúa, chúng ta sẽ luôn luôn lưu ý đến sự phán xét của Ngài và luôn lưu ý đến những gì chúng ta đang làm trong cuộc sống của mình. Nếu chúng ta muốn sự ban phước của Chúa, chúng ta phải làm những điều vui lòng Chúa. Trong Kinh Thánh, có một vài người đã kính sợ Chúa và Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện của họ. Ví dụ như trong sách Công vụ các sứ đồ 10:1-4, Trong thành Sê-sa-rê, có một người tên là Cọt-nây. Trong Kinh thánh nói rằng ông ấy là một người đạo đức và là một người đàn ông thành kính. Cả nhà ông đều kính sợ Chúa. Mặc dù ông chưa biết rằng Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, ông vẫn tin sự hiện hữu của Ngài và Ngài chính là Đấng sáng tạo. Vì vậy ông đã thờ phượng vị Chúa này và trong câu 2, chúng ta thấy rằng ông ấy đã cầu nguyện với Chúa luôn không thôi. Ông ấy đã dạy gia đình và người hầu của mình biết tôn kính Chúa. Ông ấy cầu nguyện về tất cả mọi thứ. Câu 3 nói rằng Chúa đã nghe thấy lời cầu nguyện của ông và một thiên sứ của Đức Chúa Trời đã xuất hiện trước mặt ông đương lúc ông cầu nguyện, nhằm vào giờ thứ chín (khoảng 3 giờ chiều), và nói với ông rằng “Lời cầu nguyện cùng sự bố thí ngươi đã lên thấu Đức Chúa Trời, và Ngài đã ghi nhớ lấy.”

Trong sách Lu-ca cũng có đề cập về Cọt-nây, miêu tả ông là một người kính sợ Chúa và những người hầu trong nhà ông miêu tả ông là một người công bình. Công vụ 10:22 - Họ trả lời rằng: “Đội trưởng Cọt-nây là người công bình, kính sợ Đức Chúa Trời, cả dân Giu-đa đều làm chứng tốt về người, người đó đã bởi một thiên sứ thánh mà chịu mạng lịnh từ nơi cao rằng phải mời ông về nhà và nghe lời ông”. Đó là những người hầu được Cọt-nây gửi đi để đón Phi-e-rơ từ Giốp-bê. Khi những người hầu gặp Phi-e-rơ, họ đã làm chứng rằng Cọt-nây là một người công bình, kính sợ Đức Chúa Trời, cả dân Giu-đa đều làm chứng tốt về người. Ông ấy không những chỉ công bình với những người hầu trong nhà mình mà còn đối với mọi người trong xã hội nữa. Đó là bởi vì ông kính sợ Đức Chúa Trời. Vậy trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, nếu chúng ta muốn Chúa nghe được lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cũng phải kính sợ Chúa và công bình trong mọi việc làm của chúng ta.

Chúa sẽ nghe thấy những ai cầu nguyện với tấm lòng ăn năn

Điều thứ hai, những ai cầu nguyện với tấm lòng ăn năn chính là những người được Chúa nghe thấy. Luca 18 đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng. Câu 11 – 14 đề cập về câu chuyện giữa hai người đến đền thờ để cầu nguyện. Một người là người Pha-ri-si và người còn lại là người thu thuế. Trong mắt của con người, người Pha-ri-si là một người ngoan đạo và là người biết về kinh luật. Người Pha-ri-si này nghĩ rằng mình là một người công chính nên khi đến cầu nguyện với Chúa, ông ấy đã nói rằng “Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi”. Ông ấy nghĩ rằng vì ông ấy là một người công chính nên Chúa ắt hẳn sẽ nghe được lời cầu nguyện của mình. Người thâu thuế đứng xa xa và không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” Người thu thuế tự biết rằng mình là một người có tội lớn và nghĩ rằng nếu Chúa có nghe được lời cầu nguyện của ông đi chăng nữa thì mặc dù Chúa nhiều lòng thương xót như vậy cũng không thể chấp nhận được. Ông ấy nghĩ rằng những lời cầu nguyện của mình không xứng đáng để được Chúa nghe thấy bởi vì ông là một kẻ có tội. Tuy nhiên, Chúa lại kết luận ở câu 14 rằng “Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.”. Người Pha-ri-si nghĩ rằng mình là người công chính, không nhận ra được sự không toàn hảo của mình và nghĩ rằng những lời cầu nguyện của ông ấy đáng được Chúa nghe thấy. Trái lại, người thu thuế biết được tội lỗi của mình và cầu nguyện với tấm lòng đầy ăn năn.

Thi Thiên 34:18 – “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, Và cứu kẻ nào có tâm hồn thống-hối”. Đây cũng là một trong những bài thơ của Đa-vít. Chính ông cũng đã kinh nghiệm qua được sự thương xót của Chúa, bởi vì ông cũng đã từng phạm phải một tội lớn với Bát-sê-ba, vợ của Uri và sau đó đã âm mưu hại chết Uri, người Hê-tít. Khi Na-than, nhà tiên tri quở trách ông, Đa-vít đã nhận ra rằng mình đã phạm một tội lớn nghịch cùng Chúa. Ông thật sự ăn năn với một sự hối hận lớn từ trái tim mình. Đứa trẻ được sinh ra từ Bát-sê-ba đã chết khi còn sơ sinh. Nhưng khi đứa trẻ đau nặng, Đa-vít đã nằm dưới đất và không ăn hoặc uống gì cả để cầu xin lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Khi đứa trẻ đã chết đi rồi, Đa-vít không oán trách Chúa. Ông ấy biết rằng thanh gươm đó sẽ không rời khỏi nhà ông bởi vì đó là sự phán xét của Chúa trên tội lỗi của ông. Ông chỉ còn biết cầu xin sự thương xót từ Chúa, và thật sự cầu khẩn Chúa đừng rời xa ông, và đừng để Đức Thánh Linh lìa xa ông. Đa-vít là một người đàn ông có tấm lòng thật sự dành cho Chúa, và khi ông ấy phạm tội, ông ấy đã ăn năn tội lỗi mình. Khi cầu nguyện và làm tế lễ chuộc tội, ông ấy cho rằng đây là một đặc quyền từ Chúa để có thể làm những điều tốt lành và dâng tế lễ thiêu lớn cho Chúa. Ông ấy luôn nói rằng “Nhưng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa.” Với lòng khiêm nhường và sự ăn năn này, ông ấy đã ăn năn tội lỗi của mình để làm Chúa vui lòng. Đây là những lý do tại sao Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của ông. Cũng giống như vậy, chúng ta nên cố gắng có được lòng khiêm nhường như vậy. Phi-e-rơ nói rằng “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” Nếu chúng ta muốn những lời cầu nguyện của mình được Chúa nghe thấy, ân điển của Chúa sẽ đổ đầy trên chúng ta, và chúng ta luôn phải cầu nguyện với sự khiêm nhường và tấm lòng ăn năn.

Những ai vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và yêu thương lẫn nhau cũng được Chúa nghe thấy lời cầu nguyện của mình

Tiếp theo, những ai cũng được Chúa nghe thấy lời cầu nguyện của mình? Đó là những ai vâng giữ điều răn và yêu thương lẫn nhau. I Giăng 3:22 nói với chúng ta rằng “chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài” Giăng tiếp tục nói tiếp trong câu 23 rằng nầy là điều răn của Ngài là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, và chúng ta yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta.

Đức tin của những cơ đốc nhân trong Chúa đó là tin vào sự cứu rỗi của Đấng Christ. Điều này đến từ tình yêu của Chúa với chúng ta. Khi chúng ta nhận được ân điển cứu rỗi của Chúa thông qua đức tin của chúng ta nơi Ngài, chúng ta phải biết làm thế nào để vâng giữ điều răn của Ngài. Điều răn của Chúa có thể được tóm tắt thành 2 phần chính. Phần đầu đó là phải yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, linh hồn và tâm trí của chúng ta, như vừa mới thảo luận, đó là kính sợ Chúa. Phần thứ hai đó là phải yêu thương lẫn nhau giống như Ngài yêu thương chúng ta vậy. Đây là một biểu tượng của những người đạo Chúa vì những người cơ đốc nhân được biết đến bởi tình yêu thương của họ. Chúa Giê-xu Christ của chúng ta đã cho chúng ta thấy sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Tình yêu đó cũng được các môn đệ của Chúa học theo.

Mới đây chúng ta vừa đề cập về Cọt-nây là người yêu thương mọi người nhiều như yêu chính mình và ông ấy bố thí cho người nghèo một cách rộng rãi. Mặc dù ông là một người ngoại đạo quyền lực, một người thầy trong dân La Mã, nhưng ông không áp bức những người bình thường, đặc biệt là người Do Thái. Những người hầu của ông đã làm chứng rằng ông đối xử tốt với vương quốc Do Thái. Thay vào đó ông còn yêu thương họ nữa. Đây là những gì mà Chúa muốn chúng ta làm. Phi-e-rơ đặc biệt được đưa đến với Cọy-nây và gia đình ông bởi vì ân điển cứu rỗi được ban cho họ. Trong khi Phi-e-rơ đương truyền giảng phúc âm cho họ, Đức Thánh Linh đã ngự trên họ và họ đã được nói tiếng lạ. Ngay lập tức, Phi-e-rơ nói rằng “Người ta có thể từ chối nước về phép báp-tem cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng?” Là một người Do Thái, Phi-e-rơ chưa bao giờ ăn chung với người ngoại nhưng với sự chỉ dẫn của Chúa, ông đã đến với Cọt-nây vì ông biết rằng đây là lựa chọn đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Công vụ các sứ đồ 15:7-9 – “Sau một cuộc bàn luận dài rồi, Phi-e-rơ đứng dậy nói cùng chúng rằng: Hỡi anh em, hãy biết rằng từ lúc ban đầu, Đức Chúa Trời đã chọn tôi trong các anh em, để cho người ngoại được nghe Tin Lành bởi miệng tôi và tin theo. Đức Chúa Trời là Đấng biết lòng người, đã làm chứng cho người ngoại, mà ban Đức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta; Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch.” Đây là Hội nghị của những người trưởng lão và các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem để thảo luận về những người ngoại tin Chúa Giê-xu, có cần phải chịu phép cắt bì không. Phao-lô và Ba-na-ba trong một chuyến đi đầu tiên làm mục vụ của mình để truyền giảng cho những người ngoại và làm báp-tem cho những ai tin. Rồi họ quay trở lại và mang Tin Lành đến cho những người ở An-ti-ốt.

Nhưng một vài người Do Thái đã đến Giê-ru-sa-lem và nói với mọi người rằng những người ngoại tin Chúa nếu không làm phép cắt bì thì họ sẽ không được cứu rỗi. Phao-lô và Ba-na-ba tranh luận về điều này và mang vấn đề này đến Hội nghị của các trưởng lão và các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem. Có rất nhiều tranh luận trong Hội nghị. Phi-e-rơ đã làm chứng về việc Đức Thánh Linh đã hướng dẫn ông thế nào để ông đến nhà của Cọt-nây và trong khải tượng của mình, ông thấy rằng không nên phân biệt giữa động vật tinh sạch và không tinh sạch, bởi ân điển của Đức Chúa Trời ban cho những ai tin Ngài. Người Do Thái chỉ ăn thức ăn tinh sạch. Họ không ăn chung với người ngoại là những người ăn các loại thức ăn đó. Và khi Phi-e-rơ đến nhà của Cọt-nây và giảng đạo, Đức thánh Linh đã đổ trên họ. Phi-e-rơ đã làm chứng trong Hội nghị này ở câu 8 đến câu 10 “Đức Chúa Trời là Đấng biết lòng người, đã làm chứng cho người ngoại, mà ban Đức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta; Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch. Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi” Phi-e-rơ đã làm chứng rằng những người ngoại này là thành tín. Họ đã tiếp nhận lời Chúa, kính sợ Ngài, và yêu thương mọi người. Đây là những người làm vui lòng Chúa và được Chúa chấp nhận. Họ đã được làm báp-tem và không cần phải gán thêm một cái ách trên họ bằng phép cắt bì. Sau khi Phi-e-rơ làm chứng, tất cả mọi người bắt đầu im lặng và họ đã lắng nghe lời chứng của Ba-na-ba và Phao-lô.

Qua điều này, chúng ta có thể thấy rằng lời cầu nguyện của Cọt-nây đã được Chúa nghe thấy bởi vì ông là một người yêu thương mọi người xung quanh mình. Nếu chúng ta cầu nguyện cho mọi người với tình yêu và theo lời dạy trong Kinh Thánh, cầu nguyện cho những người bệnh tật hoặc cầu nguyện cho sự tha thứ tội lỗi hoặc là cầu nguyện xin sự thương xót của Chúa, hoặc cầu nguyện Chúa ban cho ân điển của phúc âm cho họ thì những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Chúa nghe thấy. Kinh Thánh đặc biệt đề cập đến một vài người cũng với tình yêu này và lời cầu nguyện của họ đã được Chúa nghe thấy. Thi Thiên 99:6-7, Trong vòng các thầy tế lễ Ngài có Môi-se và A-rôn; Trong vòng các người cầu khẩn danh Ngài có Sa-mu-ên; Ở đây nói rằng, Họ đã kêu cầu Đức Giê-hô-va, và Ngài đáp lại cho. Ngài ở trong trụ mây phán với họ: Họ giữ các chứng cớ Ngài và luật lệ mà Ngài ban cho. Nếu chúng ta xem lại cuộc sống của họ trong Knh Thánh, chúng ta thấy rằng họ đã cầu nguyện cho mọi người bằng Tình yêu thương.

1 Sa-mu-ên 12:17-23 - Ngày nay, há chẳng phải là mùa gặt lúa mì sao? Ta sẽ cầu khẩn Đức Giê-hô-va; Ngài sẽ làm sấm sét và mưa, để các ngươi biết và thấy mình đã phạm sự ác lớn trước mặt Đức Giê-hô-va, bởi vì đã xin một vua. Sa-mu-ên bèn cầu khẩn Đức Giê-hô-va; trong ngày đó Đức Giê-hô-va làm sấm sét và mưa; cả dân sự lấy làm sợ Đức Giê-hô-va và Sa-mu-ên lắm. Hết thảy đều nói cùng Sa-mu-ên rằng: Xin hãy vì những đầy tớ của ông mà cầu xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ông, hầu cho chúng tôi không chết; vì chúng tôi đã thêm lỗi xin một vua vào các tội khác của chúng tôi. Sa-mu-ên đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi. Thật các ngươi có làm mọi điều gian ác nầy; song chớ xây bỏ Đức Giê-hô-va, phải hết lòng phục sự Ngài, chớ lìa bỏ Ngài đặng đi theo những hình tượng hư không, chẳng có ích chi, cũng không biết cứu; vì hình tượng chỉ là hư không mà thôi. Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân sự Ngài: chỉn thật, Đức Giê-hô-va đã định các ngươi làm dân sự của Ngài. Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay.

Đó là vào thời gian khi mà dân Y-sơ-ra-ên yêu cầu Sa-mu-ên chọn cho họ một vua. Trước đây, Đức Chúa Trời là Vua của họ. Thầy tế lễ và các nhà tiên tri hướng dẫn mọi người để họ biết kính sợ Đức Chúa Trời và các thầy tế lễ chịu trách nhiệm trong việc dâng tế lễ thiêu để chuộc tội cho những tội lỗi của họ. Nhưng bây giờ dân Y-sơ-ra-ên lại muốn có một vị vua chỉ để giống với những vương quốc khác trên thế giới. Điều này chính là từ chối Chúa và phạm một tội lớn. Vì vậy, Sa-mu-ên đã cảnh cáo họ rằng nếu họ muốn một vị vua thì họ sẽ bị vị vua này áp bức và vị vua này sẽ lấy đi hết tất cả những tài sản và con cái của họ để phục vụ ông vua đó như những người nô lệ. Nhưng mọi người vẫn cứng đầu nên Sa-mu-ên đã cầu khẩn Chúa và ông nói rằng “Cho phép họ được chọn cho mình một vị vua” Vị vua đầu tiên mà họ chọn đó là Sau-lơ. Khi họ phạm tội nghịch lớn trước mặt Đức Giê-hô-va, Sa-mu-ên đã cầu khẩn Chúa. Lúc đó đang là mùa gặt lúa mì, là mùa khô, nhưng Đức Chúa Trời đã trả lời lời cầu nguyện của Sa-mu-ên và làm sấm sét và mưa. Sa-mu-ên làm như vậy để cho người Y-sơ-ra-ên có thể thấy được tội của họ là rất lớn. Tất cả mọi người đều lấy làm sợ Chúa và đến cùng Sa-mu-ên để xin giúp đỡ.

Đây chính là một lời cầu nguyện của sự yêu thương. Sa-mu-ên muốn người dân phải nhận ra rằng những gì họ làm nguy hiểm và tội lỗi trước Chúa. Họ phải ăn năn và quay trở lại với Đức Chúa Trời. Hết thảy đều nói cùng Sa-mu-ên rằng: Xin hãy vì những đầy tớ của ông mà cầu xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ông, hầu cho chúng tôi không chết; vì chúng tôi đã thêm lỗi xin một vua vào các tội khác của chúng tôi. Ông đã nói trong câu 23 rằng: Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi. Ta sẽ dạy các ngươi biết con đường lành và ngay. Sa-mu-ên là một thầy tế lễ, một người thẩm phán và là một nhà tiên tri. Ông ấy yêu thương người dân Y-sơ-ra-ên. Khi họ phạm tội, chống lại những gì ông khuyên bảo và nó làm cho Chúa tức giận. Sa-mu-ên đã nói rằng “Ta sẽ không ngừng cầu nguyện cho các ngươi. Nếu ta không cầu nguyện cho các ngươi, ta sẽ có tội”. Đây chính là tình yêu vĩ đại dành cho người dân Y-sơ-ra-ên. Không thắc mắc tại sao những nhà thi ca lại liệt Sa-mu-ên vào những người cầu khẩn Chúa và Chúa đã trả lời ông.

Điều này cũng đúng với Môi-se. Chúng ta biết nhiều về những lời dạy liên quan đến việc Môi-se đã cầu nguyện cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ đã làm một con bò bằng vàng và thờ phượng nó. Ông đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời đừng tiêu diệt họ. Môi-se đã cầu xin rằng nếu Chúa muốn tiêu diệt họ thì Ngài cũng đừng ghi tên ông vào sách. Ông ấy đã cầu nguyện chính xác như thế nào? Chúng ta đọc trong sách Phục truyền luật lệ ký 9:18 ghi lại những gì Môi-se đã cầu nguyện cho mọi người khi họ hành động gian ác và phạm tội nghịch Chúa: “Đoạn, vì cớ các ngươi làm dữ, phạm tội trọng trước mặt Đức Giê-hô-va, chọc cho Ngài giận, nên ta lại sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm như lần trước, không ăn bánh và chẳng uống nước.” Trong sự nổi giận của mình, Đức Chúa Trời đã muốn tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên và làm cho Môi-se trở thành một vương quốc lơn nhưng Môi-sẽ không muốn như vậy. Ông không muốn có một vương quốc lớn nếu như Đức Chúa Trời hủy diệt người dân Y-sơ-ra-ên. Vậy ông ấy đã thật sự cầu nguyện bằng tình yêu của mình. Ông đã sấp mình xuống trong vòng 40 ngày và 40 đêm mà không ăn uống gì cả. Có bao nhiêu người trong chúng ta có thể ăn kiêng và cầu nguyện cho người khác vì sự yêu thương như vậy?

Đặc biệt là đối với những người không nghe theo lời khuyên của chúng ta và những ai phạm tội nghịch cùng Chúa? Chúng ta thường kiêng ăn cho những đứa con của mình, cho người vợ hoặc chồng và cho ba mẹ của chúng ta khi họ đau bệnh. Chúng ta kiêng ăn để họ có thể tiếp nhận lời Chúa và họ sẽ được cứu rỗi. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta có thể kiêng ăn và cầu nguyện cho những ai phạm tội nghịch Chúa và những người phạm lỗi với chúng ta? Đây chính là lời cầu nguyện bằng sự yêu thương. Đây là điều răn mà Chúa đã dạy chúng ta – Yêu thương kẻ thù mình và cầu nguyện cho những ai bắt bớ mình. Đây chính là lời dạy của Chúa.

Vậy nếu các bạn muốn Chúa nghe được lời cầu nguyện của mình, có nhiều điều cần phải được làm để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Hãy cầu nguyện để Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta trong lời cầu nguyện của mình để chúng ta luôn luôn làm vui lòng Chúa trong cuộc sống của mình.

 

» True Jesus Church