HOME :: FACEBOOK SHARE :: EMAIL

Trong Danh Chúa Giê-xu Christ, tôi xin được chia sẻ bài giảng của mục sư Chin với chủ đề là

Lời của Chúa - Phần 1

1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13 “Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin.”

Ông Phao-lô nói với Hội thánh rằng những gì ông đang truyền giảng không phải là lời của ông mà chính là lời của Chúa, lời của Chúa sẽ mang lại hiệu quả cho những ai tin Ngài.

Có 2 điều chúng ta cần phải chú ý khi đọc những đoạn Kinh Thánh này đó là

Thứ nhất, chúng ta đang tiếp nhận lời của Chúa hay là lời của con người. Chúng ta tiếp nhận những lời đó là do người nói những lời đó là những vị giáo sư thần học hay là lời đó là lời của Chúa? Người truyền giảng đó có giải thích theo đúng Kinh Thánh hay không hay là anh ấy dùng quan điểm riêng của mình để giải thích?

Đây là những câu hỏi mà người nói cũng như người nghe cần lưu tâm. Người nói phải nói theo đúng lời của Chúa và người nghe phải biết phân biệt được đúng sai, đó có phải là lời của Chúa hay không, vì chỉ lời của Chúa mới cứu được chúng ta.

Câu hỏi tiếp theo cần lưu tâm đó là “Lời của Chúa làm việc như thế nào trong đời sống chúng ta?”

Lời của Chúa sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta nếu chúng ta tin vào lời Ngài. Vậy nên chúng ta cần phải hiểu lời của Chúa để lời của Ngài sẽ giúp chúng ta.

Kinh Thánh dùng nhiều từ ngữ để miêu tả lời của Chúa. Khi đọc lời Chúa, chúng ta có thể hiểu được lời của Chúa giúp cho đời sống chúng ta như thế nào.

Lời của Chúa giống như Lửa

Giê-rê-mi 23:29 “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao? Đức Giê-hô-va phán vậy.”

Chúa miêu tả lời của Ngài giống như là lửa. Vậy lời của Chúa làm việc như thế nào trên đời sống chúng ta?

Vào những ngày lạnh giá, lửa sẽ giúp chúng ta sưởi ấm và cảm thấy dễ chịu. Lửa sẽ làm xua tan đi cái lạnh, chúng ta sẽ cảm thấy rất ấm áp và không bị lạnh. Lời của Chúa giống như lửa, đặc biệt vào những lúc chúng ta cảm thấy lạnh và thất vọng và khi chúng ta buồn. Lời của Chúa giống như lửa, mang hơi ấm đến với chúng ta. Điều này có thật không?

Chúng ta cũng đã đọc về nhiều câu chuyện trong Kinh thánh, những nhà tiên tri, những vị vua, các tông đồ khi họ gặp phải những chuyện làm cho họ cảm thấy thất vọng và sợ hãi, đó là lúc lời của Chúa là lửa, sưởi ấm họ và giúp đỡ họ.

Giê-rê-mi 20:7-9: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã khuyên dỗ tôi, và tôi đã chịu khuyên dỗ; Ngài mạnh hơn tôi và đã được thắng. Trọn ngày tôi cứ làm trò cười, và ai cũng nhạo báng tôi. 8 Mỗi lần tôi nói thì cất tiếng kêu la; tôi kêu rằng: Bạo ngược và hủy diệt! Vì lời của Đức Giê-hô-va làm cho tôi cả ngày bị sỉ nhục chê cười. 9 Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa, thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa.”

Đây là những lời do tiên tri Giê-ri-mi viết. Chúng ta thường hình dung những nhà tiên tri là những người có quyền lực và được nhiều người kính trọng. Đó là đối với những người kính sợ Chúa suy nghĩ, còn với những người không biết về lời Chúa, họ sẽ tấn công, nhạo báng và thậm chí là lên kế hoạch để hãm hại những người truyền giảng lời Chúa.

Đó là lý do tại sao ông lại viết rằng ông tiếp tục đi truyền giảng vì Chúa đã khuyên dỗ ông. Nhưng rồi ông lại hỏi rằng “Chuyện này khi nào sẽ kết thúc ? Vì trọn ngày tôi cứ làm trò cười, vài ai cũng nhạo báng tôi. Mỗi lần tôi nói thì cất tiếng kêu la;” Nếu ông không nói nữa thì ông sẽ không bị họ chế nhạo; rồi ông sẽ được bình an và sống dễ dàng và không bị nhạo báng.

Đó là lý do tại sao ông Giê-rê-mi đã quyết định rằng ông sẽ không nói nữa, vì ông thất vọng, những điều xảy ra như vậy đã làm ông cảm thấy lạnh lẽo. Ông không thể làm được gì với những vấn đề đang xảy ra cho mình, những bài giảng của ông bị nhạo báng, đến nỗi ông đã kêu lên rằng “Bạo ngược và hủy diệt”. Với những điều như vậy, ông có còn sức mạnh để tiếp tục nói lời Chúa nữa hay không?

Rồi ông lại đắn đo và muốn tiếp tục được nói. Tại sao lại vậy?

Vì ông cảm thấy được ngọn lửa trong ông, đó chính là lời Chúa ở trong ông, khiến ông phải suy nghĩ cẩn thận. Và lời của Chúa động viên ông, giống như là ngọn lửa đang đốt cháy trong ông, cho ông có sự đam mê để ông tiếp tục. Đây chính là trải nghiệm của Giê-rê-mi.

Bạn có bao giờ cảm thấy rất mệt mỏi, không muốn nói, không muốn truyền giảng tin lành cho bất cứ ai cả chưa?

Mặc dù chúng ta đang mệt mỏi và thất vọng, nhưng các anh chị em hãy đặt niềm tin của mình trong lời Chúa. Điều quan trọng hơn hết đó là hãy để ngọn lửa này đốt cháy chúng ta.

Tất nhiên là lửa thì có thể dập được, chúng ta có thể lựa chọn việc dừng suy nghĩ về lời Chúa. Nhưng điều này sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, vì chỉ có lời Chúa là có thể ban lại sức mạnh và sự yên ủi cho chúng ta. Nếu chúng ta dừng lại thì chúng ta có thể lấy sức mạnh từ đâu?

Có thể chúng ta đang gặp những nan đề khiến chúng ta cảm thấy rất thất vọng trong cuộc sống này, nhưng chúng ta không nên từ bỏ lời Chúa. Vì chỉ có lời Chúa mới có thể giữ vững đức tin của chúng ta.

Thi Thiên 39:1-3: “Tôi nói rằng: Tôi sẽ giữ các đường lối tôi, Để tôi không dùng lưỡi mình mà phạm tội: Đang khi kẻ ác ở trước mặt tôi, Tôi sẽ lấy khớp giữ miệng tôi lại. 2 Tôi câm, không lời nói, Đến đỗi lời lành cũng không ra khỏi miệng; Còn nỗi đau đớn tôi bị chọc lên. 3 Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi, Đang khi tôi suy gẫm, lửa cháy lên, Bấy giờ lưỡi tôi nói”

Đây là trải nghiệm của vua Đa-vít. Vua Đa-vít đã tự nói rằng phải giữ đường lối mình để miệng lưỡi ông không phạm tội.

Ông không muốn làm lỗi với bất cứ ai cả, đặc biệt là với những kẻ ác không biết kính sợ Chúa. Vì những người ác sẽ hạm hại ông nếu như ông nói những điều làm cho họ không vui.

Chúng ta thường gặp nhiều người nhìn thì có vẻ tốt, nhưng họ lại là những người lừa dối, chúng ta nghĩ họ tốt nên kể hết tất cả mọi chuyện cho họ nghe nhưng rồi họ lại đi kể lại cho nhiều người khác

Vậy nên đôi khi chúng ta cần phải cẩn thận khi kể chuyện của mình cho họ nghe. Ông Đa-vít đã nghĩ như thế nào khi đối diện với vấn đề như vậy. Trong câu 2 có nói rằng ông Đa-vít chọn cách im lặng và thậm chí là không nói những lời nói tốt lành nữa. Lời nói tốt nhất mà 1 người có thể dùng đó chính là lời Chúa, nhưng Đa-vít cũng không sử dụng lời Chúa. Nhưng ông biết rằng làm như vậy là không tốt, vậy nên trong câu 3 chép rằng “lửa cháy lên, bấy giờ lưỡi tôi nói”

Đa-vít có lý do để không phải nói, nhưng khi ông đương suy nghĩ nghĩ về lời của Chúa thì ông đã cảm thấy một ngọn lửa trong mình, ông cảm thấy sự yên ủi và có 1 sức mạnh bên trong mình, và ông đã nói.

Lu-ca 24:32-33 “Họ bảo nhau: “Khi nãy đi đường, Thầy đã nói chuyện với chúng ta và giải thích Kinh Thánh, lòng chúng ta chẳng như thiêu đốt sao? Ngay giờ ấy, họ đứng dậy, quay về Giê-ru-sa-lem, gặp mười một sứ đồ và các người khác đang tụ tập với nhau”

Ở đây nói về 2 môn đệ của Chúa. Lúc đó, cả 2 đều cảm thấy rất thất vọng và họ muốn quay trở về Giê-ru-sa-lem. Mặc dù họ biết rằng Chúa Giê-xu đã sống lại nhưng rồi họ vẫn không nhận ra Ngài.

Rồi Chúa Giê-xu đã hỏi họ rằng “Tại sao các anh lại buồn và chuyện gì đã xảy ra?” Rồi họ nói về việc Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh như thế nào, mặc dù là có một vài người đã thấy Ngài sống lại. Họ đã đến mộ Ngài và không thấy xác Ngài ở đó, họ không thể tìm thấy Ngài.

Những người này đã biết rằng Chúa Giê-xu đã sống lại, nhưng đức tin họ vẫn yếu đuối. Họ vẫn muốn rời khỏi nơi đó, vì tin việc Chúa chết thật khó chấp nhận được.

Và rồi Chúa Giê-xu đã hiện ra trước họ, khi Chúa Giê-xu bẻ bánh, họ đã nhận ra Ngài. Và điều này đã làm cho họ được mạnh mẽ lên,

Câu 32 nói rằng lòng họ như lửa đốt khi Chúa Giê-xu giải thích về Kinh Thánh cho họ, Chúa Giê-xu đã giải thích về kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Đấng Christ phải chết và sống lại như thế nào. Họ đã hiểu điều đó, đó là lúc lời của Chúa làm việc trong họ, đó là lúc lời của Chúa cháy lên.

Đây chính là lời của Chúa đã làm việc trên họ và lời của Chúa đã cháy lên trong họ. Rồi họ đã đứng dậy, thay đổi kế hoạch của mình và bắt đầu lại. Vì những gì họ nghe thấy là lẽ thật và họ có nhiệm vụ truyền giảng phúc âm cho thế giới.

Họ đã tìm được sức mạnh và quay trở về Giê-ru-sa-lem. Những người này không phải là các tông đồ của Chúa, họ chỉ là những người tin Chúa cũng giống như chúng ta ở đây.

Họ biết rằng mình có trách nhiệm trên lời của Chúa. Vì họ biết rằng lời của Chúa sẽ cứu rỗi linh hồn họ, và giúp cho tội lỗi của họ được tha thứ.

Chúng ta đã nhận được lời của Chúa rồi, nhưng còn nhiều người vẫn chưa nghe về lời Chúa. Mặc dù truyền giảng phúc âm có thể làm cho chúng ta buồn, có thể sẽ làm hại chúng ta và gây tổn thương chúng ta. Nhưng điều này đáng để chúng ta làm, vì đây chính là lời của Chúa.

Tiếp theo, tôi muốn nói về Lời của Chúa giống như búa

Giê-rê-mi 23:29 “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao? Đức Giê-hô-va phán vậy”

Ông Giê-rê-mi cũng miêu tả lời của Chúa giống như một cái búa. Một cái búa có thể đập vỡ một tảng đá lớn thành nhiều mảnh. Tại sao ông lại miêu tả như vậy.

Đôi khi trái tim của một con người cũng cứng giống như một tản đá vậy. Có một vài người rất khó để có thể chạm lòng họ. Lời của Chúa giống như một cái búa có thể đập vỡ một tảng đá lớn.

Một ví dụ chúng ta có thể nhớ đó là vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Vào ngày hôm đó, lời của Chúa giống như cái búa đã chạm vào lòng những người Do Thái cứng lòng.

Đó là những người đã giết Chúa Giê-xu và họ đã nói rằng “Xin huyết người lại đổ trên chúng tôi và con cái chúng tôi!”, thậm chí lúc đó Phi-lát cũng đã tuyên bố 3 lần rằng Chúa Giê-xu vô tội, nhưng họ vẫn khăng khăng đóng đinh Chúa Giê-xu, và Phi-lát phải nói rằng “tội lỗi ở trên các ngươi”.

Qua đây, chúng ta có thể thấy được rằng lòng của những người Do Thái đó cứng như thế nào. Chúng ta thường nói rằng “Làm thế nào chúng ta có thể truyền giảng phúc âm cho người như thế này được?”

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần đó, khi Đức Thánh Linh đổ xuống, họ đã nghe nhiều người nói một ngôn ngữ mà họ không hiểu được. Họ đã rất kinh ngạc và thậm chí là rất sợ hãi. Vì đó chính là Đức Thánh Linh.

Chúa Giê-xu chính là Đấng Messaiah nhưng họ đã đóng đinh Ngài rồi. Bây giờ Ngài đã sống lại và đã đổ Đức Thánh Linh xuống, họ có thể nghe được điều đó, họ có thể làm gì đây? Điều gì đã khiến họ nhận ra lỗi lầm của mình và ăn năn như vậy?

Công vụ 2:36-37 “Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ. 37 Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?”

Đó chính là lời của Chúa thông qua Phi-e-rơ. Ông đã nói từ đoạn 14-36. Và khi người Do Thái nghe thấy những điều này “Cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu nầy” Khi họ nghe được điều này, họ đã nhận ra tội lỗi của mình và trong lòng cảm động nên ông đã hỏi ông Phi-e-rơ là bây giờ chúng tôi nên làm gì đây?

Lời của Chúa cũng giống như cái búa, có thể cảm động trái tim cứng rắn của con người. Vậy chúng ta không nên nói rằng một người cứng lòng thì sẽ không được cứu rỗi. Vì lời Chúa giống như cái búa và chúng ta phải tin vào điều này.

Rồi chúng ta có thể có động lực để truyền giảng lời của Ngài. Vì nếu chúng ta nghĩ rằng đó là những người cứng lòng, chúng ta không cần phải truyền giảng cho họ. Bất kể lúc nào chúng ta truyền giảng, chúng ta phải tin rằng chúng ta đang nói lời của Chúa.

Vì nếu chúng ta nói nhưng không có đức tin, thì chúng ta sẽ chỉ giống như những người đưa tin thôi. Những điều chúng ta nói chỉ là kiến thức mà không có sự sống.

Đó là lý do tại sao mà tác giả của sách Hê-bơ-rơ đã nhắc nhở chúng ta

Hê-bơ-rơ 4:1-2 “Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. 2 Vì tin Lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình.”

Ông đã so sánh Cơ đốc nhân với dân Y-sơ-ra-ên là những người không được vào vùng đất Ca-na-an. Dân Y-sơ-ra-ên không được vào đất Ca-na-an vì họ không thực hành những gì họ nghe được.

Thật ra, lẽ thật trong lời Chúa sẽ không có tác dụng nếu không có đức tin. Chúng ta có thể thấy điều này khi chúng ta nói chuyện với con mình.

Khi một đứa trẻ không nói sự thật thì nó thường cuối đầu xuống và nói rất nhỏ. Vì nó sợ rằng những gì nó nói sẽ không thuyết phục được mẹ mình. Nhưng nếu một đứa trẻ vô tội, chúng ta sẽ thấy rằng nó sẽ khăng khăng nói rất to rằng nó không làm điều đó. Vì nó biết những gì nó nói là sự thật.

Cũng giống như vậy, nếu chúng ta có đức tin trong lời của Chúa, khi chúng ta nói thì chúng ta sẽ có đức tin. Nếu chúng ta tin vào điều mình nói thì thái độ của chúng ta khi diễn tả điều đó cũng sẽ khác.

Nếu chúng ta không có đức tin, thì lời của Chúa sẽ không có tác dụng trong đời sống của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó tin và khó chấp nhận.

Nhưng câu hỏi ở đây đó là chúng ta có vẫn còn tin vào lời Chúa không. Nếu chúng ta còn tin, chúng ta có sẵn lòng để lời của Chúa là một cái búa cho trái tim của mình hay không? Một khía cạnh khác khi sử dụng lời Chúa như là một cái búa nữa đó là chúng ta cần phải chý ý để sử dụng cái búa đúng cách.

Mặc dù lời của Chúa giống như một cái búa. Nhưng chúng ta không được dùng cái búa này với tất cả mọi người một cách tùy tiện.

Những ai đã từng cắt đá sẽ hiểu, khi chúng ta dùng búa để đập đá, nhưng nếu chúng ta đập không đúng cách thì sẽ làm hỏng hòn đá. Cũng giống như vậy, nếu chúng ta dùng cái búa không đúng cách, chúng ta sẽ làm tổn thương đến người đó.

Tôi còn nhớ, khi tôi thấy một người nước ngoài dùng búa để mở trái sầu riêng, họ đã dùng 1 cái dao lớn & một cái búa để mở trái sầu riêng, họ đã dùng rất nhiều cách để mở trái sầu riêng nhưng vẫn không thể mở được, mà chỉ làm trái sầu riêng dập nát thôi. Đó là cách chúng ta dùng búa.

Chúa Giê-xu đã cho chúng ta một ví dụ rất tốt về việc truyền giảng. Điều này xảy ra khi Ngài gặp một người phụ nữ Sa-ma-ri, người phụ nữ này không phải là một người trong trắng. Chúng ta biết rằng bà đã có 5 người chồng, và bà không quan tâm về đạo đức hay lời Chúa gì cả.

Khi chúng ta gặp phải những người như vậy, chúng ta thường dùng lời Chúa như một cái búa vậy. Ví dụ như là “Hãy đọc trong điều răn thứ 7 đi, bà đã phạm tội tà dâm, vì bà đã có 5 người chồng”

Hãy cẩn thận và suy nghĩ rằng “Bạn đang truyền giảng lời Chúa hay là đang xả sự giận dữ của mình?” Có lẽ là chúng ta muốn cứu người phụ nữ này, nhưng chúng ta lại la mắng người phụ nữ đó. Chúng ta hãy cùng nhau xem Chúa Giê-xu đã tiếp cận bà như thế nào.

Giăng 4:7-15 “Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy cho ta uống. 8 Vì môn đồ Ngài đã đi ra phố đặng mua đồ ăn. 9 Người đàn bà Sa-ma-ri thưa rằng: Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao? (Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri.) 10 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: "Hãy cho ta uống" là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống. 11 Người đàn bà thưa: Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy? 12 Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để giếng nầy lại cho chúng tôi, chính người uống giếng nầy, cả đến con cháu cùng các bầy vật người nữa, vậy Chúa há lớn hơn Gia-cốp sao? 13 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; 14 nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời. 15 Người đàn bà thưa: Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy, để cho tôi không khát và không đến đây múc nước nữa.”

Câu chuyện ở đây có vẻ như là không có gì liên quan đến việc truyền giảng phúc âm. Nhưng thật ra, Chúa Giê-xu đã đợi người đàn bà đó đến trong khi mọi người đi mua đồ ăn, và Ngài ngồi ở đó để có thể nói chuyện với người đàn bà này. Vì nếu nói chuyện ở nơi đông người thì người đàn bà này sẽ không dám mà bỏ đi ngay.

Khi người đàn bà đó đến, Chúa Giê-xu đã xin nước uống, nhưng người đàn bà đó đã mở đầu bằng “Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao?”

Chúa Giê-xu đã nói từ nước trong giếng đến nước sự sống. Giăng 4:16-18: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây. 17 Người đàn bà thưa rằng: Tôi không có chồng. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm; 18 vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy.”

Rồi Chúa Giê-xu từ từ chỉ ra tội lỗi của người đàn bà này. Để làm được điều này cần phải khéo léo, thay vì nói thẳng ra thì Ngài đã hỏi là “Hãy đi, gọi chồng ngươi rồi trở lại đây”

Khi người đàn bà thưa rằng “Tôi không có chồng” thì Chúa Giê-xu nói tiếp rằng “Người nói rằng không có chồng là phải lắm; vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng người ngươi”.

Thay vì chỉ thẳng ra tội của người này, Chúa Giê-xu đã để cho người phụ nữ này nói ra. Vì nếu Ngài chỉ thẳng ra thì chắc chắn là người đàn bà này sẽ bỏ đi.

Truyền giảng cá nhân nghĩa là việc chúng ta nói chuyện với những người bạn của mình. Trong ví dụ này, chúng ta có thể học được cách mà Chúa Giê-xu truyền giảng cho người đàn bà này.

Ngài đã chuyển chủ đề từ giếng nước sang nước sự sống. Ngài đã chỉ ra tội lỗi của người đàn bà này và làm thế nào mà tội lỗi của một người được cứu. Chúa Giê-xu đã đến đền thờ để thờ phượng bằng Thánh Linh & Lẽ thật.

Kết quả của việc Chúa Giê-xu truyền giảng cho người đàn bà này có thể thấy rõ trong Giăng 4:28-30 “Người đàn bà bèn bỏ cái vò của mình lại và vào thành, nói với người tại đó rằng: 29 Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng Christ sao? 30 Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Đức Chúa Jêsus.”

Thời gian mà Chúa Giê-xu đã dùng để nói với người đàn bà này, chúng ta có thể thấy kết quả của việc này là đó là nhiều người Sa-ma-ri đã đến và tin. Lời của Chúa quả thật giống như một cái búa vậy.

Nhưng để sử dụng một cách hiệu quả, chúng ta phải biết sử dụng cái búa này đúng cách, nếu không thì chúng ta sẽ kết thúc bằng việc làm tổn thương người đó.

Ông Phi-e-rơ đã nhắc nhở chúng ta trong sách 1 Phi-e-rơ 3:15 “nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ,”

Ông Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta cần phải luôn sẵn sàng để bảo vệ đức tin của chúng ta khi có ai đó hỏi. Hôm nay nếu tôi nói là tôi sẽ đưa cho bạn 1 bài kiểm tra, bạn có đồng ý làm không? Có thể bạn sẽ trả lời không vì bạn cần thời gian để chuẩn bị. Vì nếu tôi đưa bài kiểm tra ngay lập tức và bạn chưa chuẩn bị thì như vậy có công bằng hay không?

Nhưng nếu chúng ta thực sự có nhiều kiến thức và tự tin trong đức tin của mình thì tất nhiên là chúng ta sẽ sẵn sàng rồi. Vì chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đã dạy dỗ chúng ta.

Đó là lý do tại sao mà chúng ta cần phải luôn sẵn sàng để chia sẻ đức tin của mình, để một ai đó hỏi chúng ta, chúng ta có thể trả lời với sự hiền hòa và khiêm nhường. Một người nếu vẫn chưa sẵn sàng thì thường sẽ hay giật mình và giận dữ khi có ai đó hỏi mình.

Đôi khi nếu con cái chúng ta hỏi về đức tin và hỏi những câu hỏi khó, chúng ta cũng thường dùng cách như vậy và làm cho chúng sợ hãi mà lần sau cũng không dám hỏi nữa. Nếu chúng tiếp tục hỏi, chúng ta thường gạt sang một bên và nói rằng “con thiếu đức tin quá”, có nhiều trường hợp còn tệ hơn khi cha mẹ lại giận dữ và than phiền rằng con cái mình không vâng lời Chúa. Đây là cách mà nhiều tôn giáo khác thường làm và điều này không tốt.

Nhưng chúng ta biết rằng trong việc học ở trường ngày nay, những đứa trẻ được dạy để đặt câu hỏi. Đó là lý do tại sao cha mẹ cần phải biết nguyên nhân sau những hành động này. Cha mẹ nào cũng muốn con cái cần phải học, suy nghĩ chứ không chỉ đơn thuần là làm theo.

Đó là lý do tại sao mà ông Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta cần phải tôn Đấng Christ là Chúa, là thánh trong mình. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải sẵn sàng để bảo vệ đức tin mình. Điều quan trọng hơn hết đó là chúng ta phải có những câu trả lời trong sự hiền hòa và kính sợ. Làm được như vậy thì chúng ta có thể hướng dẫn 1 người đến với Chúa và rồi lời của Chúa có thể cứu được người đó.

Bài ngày hôm nay chúng ta đã biết được 2 từ được dùng trong Kinh Thánh khi miêu tả về lời Chúa.

Lời Chúa giống như lửa, có thể cho chúng ta sự ấm áp và sức mạnh khi chúng ta mệt mỏi và yếu đuối, có thể cho chúng ta hy vọng khi chúng ta cảm thấy chán nản.

Lời Chúa giống như một cái búa, có thể thay đổi những người cứng lòng để họ ăn năn. Nhưng chúng ta cần phải cẩn thận khi sử dụng cái búa này, để nói bằng sự thông sáng và dẫn dắt mọi người đến với Chúa.

Chỉ có lời Chúa mới có quyền năng để cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi và mang sự cứu rỗi, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để học lời Ngài.

 

» True Jesus Church