HOME :: FACEBOOK SHARE :: EMAIL

Trong Danh Chúa Giê-xu Christ, tôi xin được chia sẻ bài giảng của mục sư Chin với chủ đề là

Giữ chặt lẽ thật

2 Ti-mô-thê 1:13-14: “Hãy lấy lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ mà giữ lấy mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích, là sự con đã nhận lãnh nơi ta. 14 Hãy nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành.”

Ông Phao-lô đã viết sách 2 Ti-mô-thê, ông biết đây sẽ là lá thư cuối cùng của ông, và cũng là sự khích lệ tinh thần cuối cùng của ông với Ti-mô-thê, đó là hãy giữ chặt lẽ thật. Đối với ông Phao-lô, vì lẽ thật đó mà ông đã mất hết đi địa vị của mình trong cộng đồng người Do Thái, ông đã mất hết bạn bè là những người Pha-ri-si. Cuối cùng thì ông cũng mất đi mạng sống của mình, nhưng rồi ông đã nói về những điều này mà không có sự hối tiếc.

Ông đã viết rằng: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta;” Và cũng giống như vậy, nếu chúng ta giữ chặt đức tin của mình thì chúng ta cũng sẽ nhận được phần thưởng của mình.

Ông Phao-lô đã nhắc nhở những người tin Chúa phải giữ chặt lẽ thật vì điều này sẽ giúp chúng ta nhận được mão triều thiên của sự công bình.

Ngày hôm nay, có rất nhiều Cơ đốc nhân nói rằng họ đã giữ chặt lẽ thật. Điều này cũng đúng ở một khía cạnh nhất định nào đó, vì tất cả chúng ta điều tin rằng Chúa Giê-xu chính là Đấng cứu thế duy nhất. Nhưng về việc làm thế nào để tin & làm thế nào để trở thành môn đệ của Ngài, thì mỗi Hội thánh lại có những suy nghĩ & cách thực hiện khác nhau.

Ngoài việc vâng theo điều răn của Ngài là yêu thương lẫn nhau, và vốn dĩ thì điều này ở tất cả các Hội thánh đều làm, thì Chúa Giê-xu cũng dạy cho chúng ta cách làm báp-tem thế nào, làm tiệc thánh và rửa chân ra sao.

Có thể có vài điều những Hội thánh khác không làm. Nhưng vào khoảng thời gian của các tông đồ thì lúc đó họ chỉ truyền giảng một lẽ thật duy nhất. Ông Phi-e-rơ hay ông Phao-lô không giảng 2 điều khác nhau, họ truyền giảng một lẽ thật duy nhất.

Nhưng rồi trải qua nhiều năm, dần dần đã có những người truyền giảng những giáo lý khác nhau. Họ không còn giữ chặt lẽ thật ban đầu của các Tông đồ nữa. Đó là lý do tại sao ông Phao-lô đã động viên Ti-mô-thê cũng như tất cả chúng ta rằng phải giữ chặt lẽ thật.

Sự quan trọng của việc có chung một lẽ thật

Vào khoảng thời gian của các tông đồ thì có một đức tin chung cho tất cả Hội thánh.

Tít 1:4: “gởi cho Tít, là con thật ta trong đức tin chung: nguyền xin con được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta!”

Ở đây ông Phao-lô đã gọi Tít là con thật trong đức tin chung. Có những điều mà trong đức tin chung thì tất cả những người tin Chúa cần phải vâng theo. Và đức tin chung này không chỉ đơn thuần là việc tin Chúa Giê-xu và yêu thương lẫn nhau.

Ông Phao-lô đã có lần hỏi như vậy “Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng!” “Anh em đã chịu phép báp-tem nào?” Rồi ông cũng nói thêm về việc làm Tiệc thánh nữa. Đây là những điều mà Cơ đốc nhân cần phải vâng theo lời dạy của Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu đã nói về điều này trước khi Ngài thăng thiên về trời trong Ma-thi-ơ 28:19-20: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”

Tất cả Cơ đốc nhân cần phải vâng theo điều răn của Ngài & Chúa Giê-xu sẽ ở cùng với chúng ta. Nếu chúng ta chọn cách không vâng lời thì liệu rằng Chúa có ở cùng chúng ta không?

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21)

Những gì Chúa Giê-xu đã hướng dẫn chúng ta không thể thay đổi được, không thể thêm & cũng không bớt đi.

Đó là lý do tại sao ông Giu-đe đã nói rằng “đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi”. Chúng ta cần phải thực hiện tất cả những gì mà các tông đồ đã truyền giảng vì họ là những người nhận lời dạy từ Chúa.

Ngày hôm nay, có rất nhiều Cơ đốc nhân không vâng lời Chúa hoàn toàn. Họ cho rằng việc làm báp-tem, rửa chân & nhận lãnh Thánh chỉ đơn thuần là lý thuyết thôi, làm theo những điều này không được cứu mà chỉ gây phân rẽ Hội thánh. Vậy nên họ đã qua những giáo lý này.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ những giáo lý này, vì đây là những điều mà các tông đồ đã dạy và được truyền từ Chúa Giê-xu. Chính Chúa Giê-xu đã trực tiếp hướng dẫn việc làm báp-tem, thực hiện Tiệc thánh và rửa chân như thế nào, giữ ngày Sa-bát ra sao và chúng ta cần phải cầu nguyện để được nhận lãnh Thánh Linh.

Chính Chúa Giê-xu đã hướng dẫn những điều này cho họ, những điều này không phải do trí tưởng tượng của các tông đồ. Đó là lý do tại Chúa Giê-xu đã nói “dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”

Ý nghĩa của việc truyền giảng phúc âm là gì?

Truyền giảng phúc âm bao gồm tất cả những việc mà Chúa đã truyền dạy. Phúc âm & giáo lý là một và không thể tách rời nhau. Đó là lý do tại sao mà chúng ta cần phải tin vào một phúc âm trọn vẹn.

Những gì Chúa dạy cho chúng ta là lẽ thật, không ai có thể thay đổi được những gì Chúa nói. Nếu một người thay đổi phúc âm đã được truyền giảng thì chúng ta phải phản ứng với việc đó như thế nào?

Liệu chúng ta có thể nói rằng “Miễn sao anh tin thì được rồi, không ai sẽ bắt phạt việc anh cắt bỏ bớt những điều cần làm đâu”. Và có rất nhiều người nghĩ như vậy.

Nếu chúng ta theo suy nghĩ của con người thì tất nhiên là điều này sẽ làm họ vui lòng rồi. Nhưng chúng ta có xem xét lại những gì Chúa đã viết không?

Ga-la-ti 1:9-10: “Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them! 10 Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.”

Đôi khi chúng ta thắc mắc rằng tại sao ông Phao-lô lại đặt nặng chuyện này như vậy. Nhưng con người không có quyền thay đổi lời của Chúa.

Một người kính sợ Chúa sẽ không bao giờ làm vậy vì người đó sẽ hiểu được việc thay đổi lời Chúa là 1 điều nghiêm trọng. Vì nếu người đó bỏ bớt đi lời của Chúa thì sẽ có rất nhiều người không được cứu rỗi. Vì lời của Chúa là cho sự cứu rỗi, và lời của Ngài sẽ giúp con người thoát khỏi tội lỗi.

Một thay đổi trong phúc âm sẽ làm cho con người không được cứu rỗi, nếu 1 người thay đổi điều này thì những người khác sẽ không được cứu rỗi. Đó là lý do tại sao mà ông Phao-lô lại nói rằng những ai truyền giảng phúc âm khác sẽ bị nguyền rủa, ông đã khiển trách người Pha-ri-si là những người đi truyền giảng khắp nơi, nhưng những gì họ truyền giảng không thể mang lại sự cứu rỗi cho con người.

Những ai dành thời gian để di chuyển từ nơi này đến nơi khác để truyền giảng thật đáng ngưỡng mộ. Vì họ đã gát sang một bên thời gian nghỉ ngơi của mình mà sẵn lòng chịu gian khổ trong việc truyền giảng. Nhưng nếu những gì họ truyền giảng không phải là phúc âm trọn vẹn thì việc này cũng không cứu được con người khỏi tội lỗi. Mà ngược lại thì cuối cùng họ lại làm cản trở cho những người này, thì quả thật là một tội lớn và là một điều đáng tiếc.

Làm thế nào chúng ta giữ chặt lẽ thật.

Ở Hội thánh Giê-xu thật, có 5 giáo lý căn bản là những điều mà Chúa Giê-xu đã truyền dạy cho các môn đệ. Đó cũng là những điều mà các tông đồ đã nắm giữ và truyền giảng.

Chúng ta cần phải giữ chặt những điều này. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giữ chặt đức tin của mình? Giữ đức tin nghĩa là gì?

Giữ đức tin nghĩa là xây dựng đức tin của mình với nền tảng là Chúa Giê-xu Christ. Giữ đức tin có nghĩa là vâng theo lời Chúa, chứ không phải nghe theo lời của con người.

Chúa Giê-xu nói rằng những ai tin và làm báp-tem sẽ được cứu. Nhưng con người thường nói rằng chỉ cần tin thôi là đã được cứu rồi, không nhất thiết phải làm báp-tem hay không.

Chúa Giê-xu nói rằng “Nếu ta không rửa chân cho các ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết” Nhưng con người thường hay nói rằng Chúa Giê-xu làm như vậy chỉ để dạy cho chúng ta biết cách tha thứ lẫn nhau và học cách khiêm nhường.

Chúa Giê-xu nói chúng ta phải cầu nguyện để nhận lãnh Thánh Linh và “các con sẽ nhận lãnh quyền năng khi Đức Thánh Linh đến trên các con”

Việc nói tiếng lạ là biểu hiện rõ ràng rằng một người đã nhận lãnh Thánh Linh. Nhưng con người lại nói rằng “Khi làm Báp-tem thì Đức Thánh Linh đã ở trong người đó, còn việc nói tiếng lạ thì chỉ là ân tứ thôi”

Tất cả những ví dụ trên chỉ ra rằng những gì Chúa Giê-xu nói với những gì người nói khác nhau. Vậy thì bạn sẽ lựa chọn tin vào ai? Bạn sẽ nghe theo ai? Đây là lúc chúng ta cần giữ đức tin của mình trong Chúa. Đức tin trong Chúa cần phải dựa theo lời của Ngài, cần phải được xây dựng trên Chúa Giê-xu.

1 Ti-mô-thê 6:20-21: “Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con, tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức. 21 Ấy vì muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo. Nguyền xin ân điển ở cùng các anh em!”

Ông Phao-lô đã nhắc nhở Ti-mô-thê phải giữ lấy những điều mà Chúa đã giao phó cho ông. Vì sẽ có người đi lạc đường xa với lẽ thật. Lẽ thật mà họ truyển giảng không phải là lẽ thật nhưng lại trái nghịch với lẽ thật. Họ cãi lẽ bằng tri thức và làm cho nhiều người đi xa với lẽ thật.

Ngày hôm nay, Hội thánh đang đối diện với những thử thách, đó là các tín hữu đã đi xa với lẽ thật. Chúng ta cần phải bảo vệ những gì đã giao phó cho chúng ta, đức tin được truyền dạy cho chúng ta. Điều quan trọng hơn hết đó là chúng ta cần phải truyền lại đức tin của mình cho thế hệ sau.

Nếu chúng ta không giữ chặt đức tin của mình thì niềm tin mà chúng ta dạy cho con cháu của mình cũng không thuần khiết. Và niềm tin đó sẽ không thể cứu được con cháu chúng ta. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy được một đức tin yếu đuối như thế nào, vì nó không chỉ ảnh hưởng chúng ta, mà nó ảnh hưởng cả một thế hệ sau này. Vậy nên, chúng ta không nên xem nhẹ điều này và nghĩ rằng không quan trọng.

2 Ti-mô-thê 2:2: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.”

Ông Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê rằng không những chỉ giữ lời Chúa mà cần phải dạy lại cho thế hệ sau, giao phó cho những người trung thành. Để họ tiếp tục dạy dỗ người khác. Và chúng ta cần nhiều người để làm điều này.

Để trở thành một người dạy cho những người khác là một nhiệm vụ không dễ, vì khi dạy về Kinh Thánh thì cần phải chỉ ra những điểm sai của một con người và không ai lại thích những điều này.

Đó là lý do tại sao mà có nhiều người không thích làm chấp sự hoặc người dạy về lời Chúa. Vì nếu mình làm đúng thì lại không nhận được lời khen, nhưng nếu làm sai thì mọi người sẽ chỉ trích bạn ngay.

Rất khó để tìm được một người không ngại khó khăn và sẵn sàng chịu khổ vì lẽ thật. Có rất nhiều người yêu mến Chúa, nhưng họ ngại gánh trách nhiệm. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho những người hầu việc Chúa trong Hội thánh. Chúng ta cầu nguyện để họ được thành tín để dạy về lẽ thật.

Đó là lý do tại sao mà ông Phao-lô lại luôn nhắc nhở Ti-mô-thê rằng phải giao phó cho những ai thành tín. Thật tuyệt vời nếu như tất cả mọi người đều thành tín, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải biết rằng, sẽ có những giáo sư giả.

Lúc đầu họ cũng là những người thành tín, nhưng rồi những gì họ dạy từ từ bị sai lệch. Sự sai lệch này diễn ra một cách từ từ và thường không nhận thấy được. Và chúng ta vẫn tin vào người đó và không biết rằng anh ấy đã thay đổi, và rồi chúng ta vô tình gây cớ vấp phạm cho nhiều người.

Tít 1:10-11 “Vả, có nhiều người nhất là trong những người chịu cắt bì, chẳng chịu vâng phục, hay nói hư không và phỉnh dỗ, đáng phải bịt miệng họ đi. 11 Họ vì mối lợi đáng bỉ mà dạy điều không nên dạy, và phá đổ cả nhà người ta.”

Ông Phao-lô nói rằng ngay cả trong Hội thánh cũng có những người không vâng lời. Câu 11 nói rằng họ dạy điều không nên dạy và phá đổ cả nhà người ta. Sẽ có những người không thành tin trong Hội thánh.

Họ không giữ chặt đức tin mà họ được nhận từ ban đầu. Ông Phao-lô nhắc nhở những trưởng lão cần phải luôn trông nom, phải là một người quản lý tốt. Là người có trách nhiệm đặc biệt như được viết trong câu 9 “hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả”

Khi một người bị một người khác lừa dối và không biết điều đó là đúng hay sai thì Trưởng lão là người dùng lời Chúa để khuyên dỗ người khác để họ phân biệt được điều gì đúng và sai.

Trưởng lão cũng phải bác lại những người chống đối với lẽ thật. Họ cần phải chỉ ra những gì chưa đúng, không được giữ im lặng, mà nên ngăn lại những gì họ đang dạy dỗ cho người khác để người khác không bị lầm đường.

Đó là lý do tại sao ông Phao-lô động viên những trưởng lão nên đứng dậy và chống lại những ai nói ngược lại lẽ thật. Họ cần phải chỉ rõ ra tại sao họ sai.

Vì những người này đã không còn nói về lẽ thật nữa và đang làm cho nhiều người khác đi lầm đường. Họ cần phải làm như vậy ngay cả khi điều này làm cho người khác không thoải mái.

Là những người quản gia trong nhà Chúa, chúng ta không được sợ hãi những điều này. Vì nếu không giải quyết vấn đề thì họ sẽ là người quản gia không tốt.

Đó là lý do tại sao ông Phao-lô động viên các Trưởng lão cần phải hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thành tín. Họ cần động viên và mang những người bị lừa dối quay trở lại. Cùng lúc đó, phải chống lại những người chống lại lại lẽ thật và dừng những việc họ đang làm.

Tít 1:11 “Họ vì mối lợi đáng bỉ mà dạy điều không nên dạy, và phá đổ cả nhà người ta”

Ở đây nói về điều cần thiết của việc dừng lại những việc mà các anh chị em đang đi xa rời với lẽ thật, cần phải dừng lại những điều mà họ không nói đúng với lẽ thật. Điều này không dễ khi mà tất mọi người đều có quyền tự do của mình. Chúng ta không có quyền ngăn họ lại. Vậy thì chúng ta là những Cơ đốc nhân cần phải làm gì cho những nan đề này?

Tôn giáo có tính tự do, chúng ta có quyền lựa chọn tin hay không. Chúng ta có quyền không tin và không làm theo lời Chúa. Mặc dù chúng ta không thể ngăn họ lại, nhưng chúng ta có thể khuyên dỗ và động viên.

Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục sử dụng quyền tự do của mình để dạy những giáo lý sai trật, để phá hủy Hội thánh. Thì đó là lúc mà những người quản gia trong nhà Chúa cần hành động.

Vì những gì những người đi sai trật lẽ thật dạy dỗ cho các tín hữu không những làm tổn thương Hội thánh mà còn phá hoại niềm tin của Cơ đốc nhân. Những người quản gia trong nhà Chúa không nên im lặng mà không làm gì cả.

Đó là lý do tại sao ông Phao-lô đã hướng dẫn Tít trong Tít 1:13: “Lời chứng ấy quả thật lắm. Vậy hãy quở nặng họ, hầu cho họ có đức tin vẹn lành”

Đôi khi chúng ta tự hỏi rằng tại sao lại đặt vấn đề này nghiêm trọng như vậy. Nhưng nếu một người có thể thấy được sự ảnh hưởng của những lời dạy sai lệch như thế nào, nó sẽ lan nhanh giống như căn bệnh ung thư vậy. Và thế hệ sau sẽ ra sao nếu nghe những lời dạy sai lệch như vậy. Vậy nên chúng ta cần phải dừng những việc đó lại.

Đó là lý do tại sao những người chấp sự, những người trông nom nhà Chúa cần phải khuyên dỗ, thảo luận & lên án nhưng ai đang đi xa với lẽ thật.

Mặc dù họ biết là những việc này có thể sẽ gây ra những điều không vui, họ biết rõ rằng những điều này sẽ gây ra rất nhiều điều phiền phức, nhưng họ kính sợ Chúa hơn cả.

Chúa đã chọn họ là những người trông nom cho Hội thánh nên họ cần phải chịu trách nhiệm trước Chúa. Họ cần phải chịu trách nhiệm trong việc giữ chặt lẽ thật của Chúa, họ là người chịu trách nhiệm nếu lẽ thật của Chúa bị thay đổi.

Những người chấp sự trong Hội thánh không sử dụng quyền lực để kiểm soát, mà họ phải làm công việc mà Chúa đã giao phó cho họ và tín hữu cần phải hợp tác cùng nhau để duy trì lẽ thật. Những cơ đốc nhân cũng cần phải biết phân biệt những thông điệp được truyền đạt có theo lời Chúa hay không.

Công vụ 20:28-31: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. 29 Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; 30 lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ. 31 Vậy, hãy tỉnh thức nhớ lại rằng trong ba năm hằng đêm và ngày, tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn.”

Đây là những gì Phao-lô nói khi chia tay các trưởng lão ở Ê-phê-sô. Đây là những lời cuối cùng của ông và trong đoạn cuối cùng ông đã nhắc nhở họ rằng Đức Thánh Linh đã lập họ làm kẻ coi sóc để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời. Sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em và làm bầy chiên bị thương. Những con sói này chỉ muốn có lợi ích riêng cho mình mà không quan tâm đến những con chiên của Chúa. Câu 30 nói rằng ở giữa anh em sẽ có những người nói lời hung ác và ráng sức dỗ môn đồ theo họ.

Khi đối diện với những mối đe dọa từ bên ngoài lại dễ nhận ra hơn. Nhưng đối với những mối đe dọa từ bên trong từ những anh chị em trong Hội thánh và nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ rất dễ để chúng ta bị đi lầm đường. Chúng ta không biết rằng mình đang tiếp nhận một phúc âm khác.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải cẩn thận giữ chặt đức tin của mình, không những giúp cho sự cứu rỗi của chính mình mà còn ảnh hưởng đến thế hệ sau này. Chúng ta cần biết rằng tất cả mọi người cần phải có trách nhiệm giữ chặt lẽ thật. Nguyện tất cả chúng ta sẽ giữ chặt được đức tin của mình để được cứu rỗi trong vương quốc của Chúa.

 

» True Jesus Church