HOME :: FACEBOOK SHARE :: EMAIL

Trong Danh Chúa Giê-xu Christ, tôi xin được chia sẻ bài giảng của mục sư Peter Shee với chủ đề là

Hãy đến và Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ

Ma-thi-ơ 11:28-29: Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

Đây là những lời của Chúa Giê-xu Christ với những ai đang mệt mỏi và gánh nặng. Những lời này có thể áp dụng cho rất nhiều người vì thế giới ngày càng trở nên bận rộn hơn và mọi người luôn làm việc quá sức. Những cơ đốc nhân cũng chẳng khác hơn. Mặc dù luôn phải làm việc quá sức, nhưng đồng thời họ cũng dành thời gian để đến nhiều nơi thú vị khác, đặc biệt là về đêm. Họ tận hưởng thú vui ở các quán rượu, hoặc có nhiều người thường đi bộ dọc con đường Orchard để mua sắm. Một vài người khác thì đi tập thể dục vì càng mệt thì sẽ giảm bớt đi sự mệt nhọc. Và tập thể dục thì dù sao cũng là một cách tốt để giảm căng thẳng. Một vài người khác nữa thì ngồi trước màn hình máy tính. Tôi cảm thấy rất căng thẳng khi ngồi trước màn hình máy tính nhưng đối với một vài người thì đó lại là một hình thức giải trí.

Vậy có rất nhiều cách hấp dẫn khác nhau để giải trí. Nhiều người cơ đốc nhân mặc dù bận rộn nhưng cũng có nhiều cách khác nhau để giải trí và tất cả những hoạt động đó xâm chiếm mất sự an ủi mà Đấng Christ đã ban cho họ. Bạn hãy nhìn xung quanh xem số lượng người đến tham dự buổi nhóm tối hôm nay và những buổi thờ phượng buổi sáng, bất kể vào ngày Sabbath hay là buổi nhóm họp của thanh niên vào ngày Chủ nhật, bạn đều thấy rất khó để khuyến khích thêm nhiều người tham dự. Chúng ta thấy rất nhiều những poster viết là “Sáng thứ bảy cũng là ngày Sabbath” nhưng chúng ta cũng không thấy nhiều sự cải thiện về số lượng người tham dự vào sáng ngày thứ bảy. Chúng ta thấy rất nhiều những người làm việc vất vả và căng thẳng. Và họ sẽ vẫn mệt mỏi và căng thẳng nếu như họ không đến một nơi đúng để có sự an ủi, sự bình an của Đấng Christ, ngay cả khi chúng ta là Cơ đốc nhân, chúng ta cũng phải chịu đựng những sự mệt mỏi về vật chất, tinh thần và thuộc linh. Thật tốt nếu lắng nghe những gì Chúa Giê-xu đã nói với chúng ta “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”

Trong Ma-thi-ơ 11:3 ở đây, Giăng đã sai môn đồ của mình đến thưa với Ngài rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?” Và từ đoạn 4 trở đi, Chúa Giê-xu đã đưa ra câu trả lời, Ngài chính là Đấng phải đến. Và Chúa Giê-xu đã đến rồi, Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đã đến trước với chúng ta. Bây giờ Ngài mời chúng ta đến với Ngài, bởi vì chúng ta cần Ngài. Ngài đã đến và cho chúng ta một giải pháp nhưng Ngài không ép buộc. Ngài đã nói rằng “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” Và bất cứ ai đến với Ngài, Ngài sẽ giang cánh tay rộng mở đón tiếp chúng ta.

Giăng 6:37-38 - Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu. Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến.

Chúa Giê-xu nói rằng “Kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu” Khi Chúa Giê-xu nói điều này là lúc Ngài vừa ban bánh và cá cho 5000 người. Và Ngài nói “Vì ta từ trên trời xuống”. Vậy Chúa Giê-xu đã đến. Bây giờ những ai đến cùng ta thì ta sẽ không bỏ ra ngoài đâu. Bởi vì Ngài đã đến và ban phước cho con người, vì vậy mà chắc chắn là những ai đến với Ngài, Ngài sẽ không từ bỏ họ. Nhưng vấn đề là chúng ta có đến với Ngài hay không?

Những ai trong số các bạn đã từng đến từng nhà gõ cửa để truyền giảng vào ngày thứ bảy sau buổi thờ phượng thì ắt hẳn các bạn đã biết rằng tỷ lệ từ chối nhiều như thế nào rồi. Bạn đến với họ cũng giống như Đấng Christ mang tin lành đến với họ. Chúng ta cũng phải mời họ “Hãy đến và nhận lãnh phước lành”. Ở đây không có nghĩa là đến một địa điểm cụ thể nào mà đó là đến với Đấng Christ để nhận lãnh phước lành. Nhưng có bao nhiêu người sẵn sàng đến với Chúa?

Ma-thi-ơ 11 đưa ra một vài lý do tại sao nhiều người lại không đến với Chúa. Chúng ta phải đến với Ngài, bởi vì Ngài là câu trả lời duy nhất cho nhu cầu mà chúng ta cần. Khi chúng ta đọc trong đoạn này, có 3 điều chúng ta nên làm nếu chúng ta muốn đến với Chúa Giê-xu.

Câu 3, Giăng đã hỏi là “Thầy có phải là Đấng phải đến?” Lúc đó Giăng chuẩn bị vô tù. Trước khi ông vào tù, ông đã giới thiệu cho mọi người biết về Chúa Giê-xu. Ông nói rằng “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” Và rồi ông nói tiếp “Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” Nhưng khi ông ấy đang ở trong tù và ông ấy nghe về những điều tuyệt vời mà Chúa Giê-xu đã làm. Đây cũng chính là người đã từng giới thiệu về Chiên con của Đức Chúa Trời. Thay vì có nhiều niềm tin hơn vào Giê-xu thì ông lại sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giê-xu “Thầy có phải là Đấng phải đến?”. Vì Chúa Giê-xu đã thực hiện nhiều phép màu, đã dạy dỗ cho rất nhiều người, đã có nhiều môn đệ, nên ông ấy muốn xác nhận rằng “Thầy có phải là Đấng phải đến?” Và nếu như không phải thì chúng ta sẽ tìm kiếm một Đấng khác. Chúng ta có nên tìm kiếm một Đấng khác không? Chúng ta nên đến với Chúa Giê-xu mà không nên chậm trễ, Ngài chính là Đấng đó. Vì vậy điều đầu tiên, là chúng ta không nên tìm kiếm Đấng khác. Không nên chừng chừ, Ngài chính là Đấng đó.

Những người Do Thái, cho đến ngày hôm nay, họ vẫn luôn mong chờ Đấng Messiah. Trong khi những người còn lại trên thế giời này, những người không phải là người Do Thái, đã có rất nhiều người đã tiếp nhận Chúa Giê-xu là Đấng cứu thế. Nhưng người đầu tiên biết được rằng Đấng Messiah đang đến lại chính là người Do Thái nhưng họ vẫn đang chờ đợi. Có rất nhiều người ở Hội thánh Giê-xu thật luôn tìm kiếm xung quanh để tìm được một Hội thánh tốt hơn, cũng giống như những người Do Thái đang tìm kiếm Đấng Messiah. Đừng tìm kiếm nữa. Hãy mở một câu gốc khác, trong câu 6. Chúa Giê-xu đã trả lời cho người đã được Giăng sai đến. Sau khi trả lời xong thì Ngài nói rằng “Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!” Vấp phạm ở đây có thể được dịch là “Vấp ngã” thì dễ hiểu hơn. Trong Kinh Thánh tiếng Hoa thì ghi đúng là “Té ngã”. Phước cho ai chẳng té ngã vì cớ ta.

Chúa Giê-xu đã từng nói, nếu một người gây ra cớ vấp phạm cho bất cứ người nào, thì người đó cần phải bị trói với đá và ném xuống biển. Nói đơn giản hơn là sẽ không may cho những ai gây ra cớ vấp phạm. Nhưng bây giờ Chúa Giê-xu nói “Phước ai chẳng vấp phải vì cớ ta”. Chúa Giê-xu là một trường hợp duy nhất. Hãy nhìn vào những gì Phi-e-rơ đã nói về Ngài. Và được viết trong Kinh Cựu Ước.

I Phi-e-rơ 2:6-8: Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ. Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quí; nhưng cho những kẻ không tin, thì Hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, Bèn trở nên đá góc nhà, là Đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã; họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo, và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi

Nói cách khác Chúa Giê-xu là hòn đá vững vàng để chúng ta có thể dựa vào và vì vậy chúng ta có sự an toàn. Chúng ta có thể trú ẩn ở đó. Và ở đây nói rằng Chúa Giê-xu cũng giống như đá góc nhà là nơi mà cả ngôi nhà dựa vào đó để được xây dựng nên. Nhưng trái lại, đó cũng là một hòn đá mà có người chỉ đá và vấp. Vì vậy trong câu 8 nói rằng, hòn đá lớn làm cho sa ngã; họ bị vấp đá đó. Và chúng ta thấy ví dụ này rất nhiều, ngay cả khi trong thời gian Chúa Giê-xu còn ở trên đất. Chúa Giê-xu đã nói rất nhiều điều để ban ân điển đến cho mọi người. Nhưng Chúa Giê-xu cũng đã nói những điều khiến nhiều người từ chối Ngài.

Hãy nhìn vào một ví dụ mà Chúa Giê-xu đã nói một vài từ mà có lẽ bạn và tôi có thể cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng có một người nghe những lời đó lại không cảm thấy bị xúc phạm. Đó là Ni-cô-đem. Khi Ni-cô-đem đến gặp Chúa Giê-xu, ông ấy đã đến bằng sự ngưỡng mộ của mình. Nhưng Chúa Giê-xu không chú ý nhiều đến sự ngưỡng mộ của ông ấy. Và Chúa Giê-xu đã nói “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời”. Đây thật sự nhấn mạnh rằng Ni-cô-đem không thuộc về vương quốc của Chúa trừ khi ông ấy thay đổi cuộc đời của mình. Cách Ngài nói rất nghiêm túc. Và khi Ni-cô-đem không thể hiểu được, Chúa Giê-xu đã nói gì? Chúa Giê-xu đã nói rằng “Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên, mà không hiểu biết những điều đó sao!” Nhưng Ni-cô-đem đã không bị vấp ngã bởi những lời Chúa Giê-xu nói với ông. Ông ấy không té ngã bởi vì ông ấy không hiểu Chúa Giê-xu hay ông ấy đã bị xúc phạm, tất cả những điều đó đều không làm ông ấy té ngã. Chúng ta biết rằng mặc dù ông ấy là môn đệ bí mật, ông ấy vẫn là một môn đệ. Và khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh, chính ông ấy đã mang đồ đến để tẩm liệm chôn Chúa. Ông ấy cũng đã từng nói hộ cho Chúa Giê-xu trong phiên tòa xét xử nữa.

Chúng ta hãy nhìn vào một trường hợp khác. Trong Ma-thi-ơ 15. Đây là một trường hợp khá đặc biệt và người này có thể nói là được phước bởi vì bà ấy đã không té ngã bởi những lời nói của Chúa Giê-xu.

Ma-thi-ơ 15:26 – Chúa Giê-xu đáp rằng: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn”

Chúa Giê-xu đã nói những lời này với người phụ nữ Ca-na-an, người tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài. Chúa Giê-xu đã gọi bà ấy là con chó, một con chó nhỏ. “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn”. Thay vì bị vấp ngã, rút lui, đức tin của bà nơi Chúa Giê-xu Christ đã khiến bà nói những lời rất sáng suốt. Bà ấy đã chấp nhận và nói rằng “thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống”

Khi chúng ta đọc điều này như là một câu chuyện, khó để chúng ta có thể biết rõ một người bị xúc phạm cảm thấy thế nào khi nghe những lời như thế. Tôi tin rằng không một ai trong chúng ta ngồi ở đây có thể bị xúc phạm những lời như vậy trước đây. Nhưng không dễ để không bị xúc phạm như vậy, “Phước ai chẳng vấp phải vì cớ ta”. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người đã té ngã. Chúa Giê-xu không nói những lời khắt nghiệt như vậy với họ, nhưng Ngài đã nói những lời khó để họ chấp nhận. Ví dụ như 5000 người mà Ngài đã ban thức ăn cho họ, một vài người trong số họ đã được no bụng, họ tiếp tục theo Ngài bất cứ đâu Ngài đi. Và rồi Ngài đã nói một vài điều mà họ không chấp nhận được, đó không phải là những lời xúc phạm. Ngài nói một vài điều như là “Thịt ta thật là đồ ăn” “Huyết ta thật là đồ uống”. Và điều gì đã xảy ra?

Giăng 6:61 – Nhưng Đức Chúa Jêsus tự mình biết môn đồ lằm bằm về việc đó, bèn phán rằng: Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao?

Đây cũng là những lời mà chúng ta đã đọc trong Ma-thi-ơ 11, “Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao? “Điều đó xui các ngươi té ngã sao?”. Nhưng câu 66 nói rằng từ lúc ấy có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa. Chúng ta vừa mới đọc những gì Chúa Giê-xu nói “kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu”. Nhưng ở đây thay vì đến thì họ lại đi xa Ngài.

Một nhóm người nữa cũng rất dễ té ngã bởi Chúa Giê-xu, đó chính là người Pha-ri-si. Hãy đọc trong sách Ma-thi-ơ. Sau khi Chúa Giê-xu nói rằng “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” Sau khi Chúa Giê-xu nói “Phước ai chẳng vấp phải vì cớ ta”. Khi Ngài đang đi qua giữa đồng lúa mì, lúc đó nhằm ngày Sa-bát, và các môn đồ bứt bông lúa mà ăn. Những người Do Thái, cụ thể là người Pha-ri-si không đồng ý điều đó. Và sau khi Chúa Giê-xu đã giải thích với họ rồi thì tình hình còn tệ hơn nữa. Đọc trong đoạn 12:14: “Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu đặng giết Ngài” Bởi vì họ nghĩ rằng Chúa Giê-xu đã phạm luật ngày Sa-bát vì đã bứt những bông lúa mì và ngay cả việc chữa lành trong ngày Sa-bát nữa.

Đoạn 15:12. Một lần nữa các môn đồ lại gần và thưa rằng: “Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?” Vậy có rất nhiều lý do tại sao nhiều người không đến với Đấng Christ. Một người mặc dù đã nói rằng “Ồ, Ngài là Đấng Christ, Ngài trả lời cho tất cả những nan đề của tôi” Nhưng họ vẫn đi và tìm kiếm một Đấng khác. Hoặc cũng có thể ngay từ lúc đầu là họ đã từ chối Ngài. Hoặc đôi khi tôi theo Ngài đến một lúc nào đó tôi sẽ rút lui bởi những gì Ngài đã nói, giống như những người đã được ban cho bánh và cá. Họ yêu bánh, họ yêu những con cá nhưng họ không yêu Bánh sự sống ở trên Thiên đàng.

Bạn có nghĩ rằng chúng ta cũng là một trong số đó không? Bạn sẽ nói rằng “Không thể nào!” Tất cả các bạn đều là cơ đốc nhân và chúng ta đã là cơ đốc nhân trong nhiều năm rồi, chúng ta đã được làm báp-tem và chúng ta đã nhận lãnh Thánh Linh. Nhưng có những người, khi họ đối diện với những khó khăn, họ đã té ngã. Họ sẽ nói rằng “Tại sao lại như vậy sau khi tôi đã trở thành một cơ đốc nhân, tôi không được phước lành gì cả?” Hoặc cũng có thể lúc đầu, trong 5 năm đầu tiên khi là cơ đốc nhân, tôi có thể thấy phước lành mà Chúa ban cho cuộc sống của tôi, tất cả mọi thứ dường như đang đi theo quỹ đạo. Nhưng đó chỉ là lúc khi đang ăn bánh và cá. Bây giờ họ nói rằng cuộc sống ngày càng khó khăn hơn và thật là khó để trở thành một cơ đốc nhân.

Hội thánh của chúng ta cũng khá nghiêm khắc. Điều này không được, điều kia không được. Ngày Sa-bát bắt buộc phải đi nhà thờ. Vậy thì làm thế nào để tôi có thể sống được trên thế giới này? Tôi đến đây vào ngày Sa-bát để muốn nghe những lời để an ủi linh hồn tôi mà lại có quá nhiều yêu cầu khắc nghiệt vậy. Vậy mặc dù là những điều đó ở trong Kinh thánh nhưng lại không phù hợp với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống thì sao. Không thể giữ được. Chúng ta đang sống ở thời đại nào rồi? Chúng ta không sống vào thời gian của Kinh Thánh. Bạn có hiểu tôi không? Bạn chỉ ở trên bục giảng, đặc biệt là những người truyền giảng, bạn không làm những điều mà tôi làm. Những điều khắc nghiệt mà Chúa Giê-xu Christ nói, những điều khắc nghiệt được nói trên bục giảng, nó không phù hợp với thực tế và điều đó đã làm té ngã một số người.

Vậy có những người giống như những người đã rời xa Chúa Giê-xu bởi vì họ không chấp nhận được những gì Chúa Giê-xu đã nói với họ. Chúng ta hãy đọc lại trong sách Ma-thi-ơ đoạn 11.

Câu 16-19, Chúa Giê-xu miêu tả những người trong thời gian đó. Ngài nói rằng “Ta sẽ sánh dòng dõi nầy với ai? Dòng dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu la cùng bạn mình, mà rằng: Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bay không khóc”

Nghĩa là bạn không thể hợp tác với Ngài. Giống như là “Này, Chúa đang nói chuyện với bạn đó, bạn biết không? Bạn có bị điếc không? Bạn không thể nghe à?” Hoặc có thể như là “Ta đã gọi ngươi, ngươi không trả lời. Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa. Vậy ta đang nói chuyện với ai đây? Với bức tường sao?” Đôi khi, khi chúng tôi nói trên bục giảng, chúng tôi cũng cảm thấy giống như vậy. Chúng tôi cảm nhận được rất nhiều từ thông điệp mà chúng tôi nói nhưng rồi khi chúng tôi nhìn vào bên dưới, những khuôn mặt trống rỗng. Và khi bước ra khỏi Hội thánh, họ đi và làm rất nhiều điều mà họ không nên làm.

Từ câu 18 trở đi. Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người tra nói rằng: Giăng bị quỷ ám. Thật là lạ, có đồ ăn ngon thì lại không muốn ăn mà lại đi ăn những đồ ăn kỳ lạ, có quần áo đẹp mà lại không muốn mặc nhưng lại đi mặc da lạc đà, thật là một người đàn ông kỳ lạ, tôi nghĩ là ông ấy có vấn đề.

Tiếp đến trong câu 19, Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết (Trong thuật ngữ tiếng Hoa nói những người này là những người chỉ biết ăn và uống mà chẳng làm gì cả). Chúa Giê-xu nói rằng những người này chỉ tìm lý do để không phải chấp nhận thông điệp của Đức Chúa Trời thôi. Vậy bạn đừng từ chối lời mời của Chúa Giê-xu. Ngài nói “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”. Đừng từ chối lời mời của Ngài. Khi Ngài gọi bạn, bạn hãy trả lời. Khi Ngài thổi sáo, bạn hãy nhảy nhé!

Chúa Giê-xu đã kể một chuyện ngụ ngôn. Ma-thi-ơ 22:1-6. Nói rằng một người đàn ông tổ chức tiệc cưới cho con trai của mình. Ông ấy không phải là một người bình thường, ông ấy là một ông vua. Ông ấy đã mời rất nhiều người. Nhưng khi thời gian đến thì không ai đến cả. Nên ông sai đầy tớ mình đi nhắn lại những người đó. Nhưng câu 5 và 6 nói rằng họ không đếm xỉa đến. Vị vua đã mời bạn nhưng bạn lại trả lời rằng “Ồ không không, nông trại của tôi quan trọng hơn, những con gà của tôi quan trọng hơn, con bò của tôi quan trọng hơn” Và khi vị vua nhắc lại lần nữa, bạn bực mình và thậm chí còn đánh lại đầy tớ của vua nữa. Bạn có thể tượng tưởng những điều như vậy xảy ra trong cuộc sống thật không? Có lẽ là không. Nhưng tại sao Chúa Giê-xu lại kể câu chuyện ngụ ngôn này? Để nói cho chúng ta biết rằng nó ngớ ngẩn như thế nào. Mặc dù nó không xảy ra trong đời sống thật của chúng ta nhưng nó xảy ra giữa chúng ta với Chúa. Chúa Giê-xu đã gửi lời mời đến hết lần này đến lần khác. Và nếu bạn đến thì bạn không phải chờ đợi vì buổi tối đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, những con bò béo đã được mổ thịt rồi. Tất cả mọi thứ đều sẵn sàng. Nhưng bạn lại không ở đó. Nó đã xảy ra rồi. Tất nhiên là ngày lễ của sự cứu rỗi đã xảy ra cách đây 2000 năm nhưng nhiều người lại lê bước khi đến buổi tiệc đó. Với một hình thức khác, những buổi thờ phượng đều chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi người, nhưng có bao nhiêu người sẵn sàng cho buổi thờ phượng sáng ngày Sa-bat, bao nhiêu người đến vào những buổi bồi linh?

Những buổi bồi linh thường được tổ chức trùng hợp với những ngày lễ, bạn không cần phải xin nghỉ phép để đến, nhưng có bao nhiêu người sẵn sàng đến trọn vẹn 3 ngày liên tiếp trong buổi bồi linh? Bạn cũng thấy trong suốt thời gian cầu nguyện buổi sáng trong những ngày bồi linh, có rất ít người đến. Chỉ 1/3 trong tổng số người tham gia thôi. Rồi đến buổi đầu tiên, thì chỉ có khoảng ½ số lượng người tham gia. Nhưng khi gần đến giờ ăn trưa thì hầu như tất cả mọi người đều có mặt. Điều này thật là lạ nhỉ. Cách đây 2 ngày có một người, anh ấy làm nhân viên bảo vệ đã nói với tôi là “Tôi sẽ xin nghỉ phép 2 ngày để tham dự buổi bồi linh”. Điều này thật sự làm ấm lòng tôi. Những ngày lễ thì anh ấy vẫn phải làm việc, nhưng anh ấy đã xin nghỉ phép 2 ngày. Chúng ta đến để chúng ta được yên nghỉ tâm hồn mình. Câu 29 nói rằng “thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ”

Nhiều người thường nói họ không thể đến được. Tại sao vậy? Một từ thường hay được sử dụng. Bận. Chính xác, Bận nhưng bạn phải đến! Khi bận thì bạn cần điều gì? Đó là sự Nghỉ ngơi. Vậy Chúa Giê-xu nói rằng “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”

Chúa sẽ không khiến bạn phải mất bất cứ thứ gì cả nếu bạn đến. Mà bạn còn gặt hái được nhiều thứ nữa. Chúa Giê-xu nói “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta”

Hãy mở trong sách Xuất Ê-díp-tô-ký 1:11: Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc; họ xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho tàng cho Pha-ra-ôn

Ở đây nói về khoảng thời gian khi người dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở Ai Cập. Câu 11 nói chính xác 2 điều mà thế giới đang đối mặt. Điều thứ nhất đó là sự khó nhọc. Điều thứ hai đó là lao động. Ở đây nói rằng người dân Y-sơ-ra-ên phải chịu khó nhọc. Và họ phải lao động để xây thành.

Khi Chúa Giê-xu nói rằng “những ai mệt mỏi” “những ai gánh nặng” đó là sự phản chiếu của những nô lệ Ai Cập. Khi dân Y-sơ-ra-ên được dẫn được vào miền đất hứa, vùng đất mà tràn ngập sữa và mật, Đức Chúa Trời nói trong sách Giô-suê 21:44 nói rằng Đức Giê-hô-va làm cho tứ phía đều được yên nghỉ. Ở Ai Cập, họ phải lao động và không đủ để ăn. Đừng tin họ khi họ luôn phàn nàn với Môi-se rằng “Này, ngoài những nồi lớn đồ ăn, tôi còn có thịt, tỏi, tôi có tất cả mọi thứ…” đây là những gì họ tượng tưởng. Họ đã phải lao động vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Nhưng vùng đất Ca-na-an là vùng đất tràn ngập sữa và mật. Vậy khi họ được mang đến vùng đất đó, Đức Chúa Trời nói rằng Ngài ban cho họ được yên nghỉ.

Trong Giô-suê 24:13 nói rằng Ta ban cho các ngươi đất mà các ngươi không cày, những thành mà các ngươi không có xây…Không cần phải cày mà bạn vẫn có thức ăn để ăn. Không cần phải thắc mắc nữa. Đó chính là sự yên nghỉ. Nhưng thật ra, thậm chí ngay cả trong đồng vắng, trước khi họ bước vào miền đất hứa, trước khi họ được yên nghỉ, họ có phải lao động để có thức ăn không? Ngay cả trong đồng vắng? Họ không phải lao động gì cả. Mỗi ngày thức ăn rơi từ trên trời xuống. Thậm chí ngay cả khi họ khát, nước từ những tảng đá cũng tuôn chảy để xoa dịu cơn khát của họ. Vậy họ không cần phải lao động gì cả để có thức ăn cho mình.

Ma-na. Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng ma-na là một biểu tượng của bánh từ trời, đó là lời của Chúa. Vì Chúa Giê-xu so sánh chính Ngài là ma-na. Vậy ngay cả trong đồng vằng, họ cũng có ma-na. Khi họ đi đến miền đất hứa, họ có sữa và mật ong.

Sữa: Phi-e-rơ nói với chúng ta rằng nó giống như là lời của Chúa vậy. Ngay từ lúc mới sinh, chúng ta đã khao khát dòng sữa đó chính là lời của Chúa để giúp chúng ta lớn lên. Mật ong: Trong Thi thiên 19 nói với chúng ta lời của Chúa còn quý hơn sự ham muốn và ngọt hơn mật ong nữa.

Vậy bạn thấy lời của Chúa có ý nghĩa như thế nào để chúng ta mạnh mẽ giống như sữa và cũng giống như mật ong để chúng ta vui thích. Vậy ngày nay chúng ta đã thật sự bắt đầu sự yên nghỉ của Chúa chưa? Chúng ta đã ghi vào lời Chúa chưa? Nếu chúng ta đã ghi nhận lời Chúa vậy thì chắn chắn lời Chúa sẽ ban cho chúng ta thêm sức mạnh. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy mệt mỏi nữa. Khi chúng ta ghi nhận lời Chúa, nó sẽ giúp chúng ta giữ được sự bình tĩnh. Bởi vì nó sẽ giúp chúng ta xua tan đi sự lo lắng. Tôi nghĩ rằng sự lo lắng sẽ làm cho con người cảm thấy mệt mỏi hơn và dễ bệnh hơn là lao động chân tay thật sự. Nếu bạn làm việc tay chân nhiều thì bạn sẽ có nhiều cơ bắp hơn mà không có nhiều tóc bạc. Tóc bạc nhiều là do sự lo lắng. Và phương pháp chữa bệnh cho sự lo lắng là gì? Đó chính là lời của Chúa. Vậy bạn hãy yên nghỉ trong lời của Chúa, bạn hãy bước vào vùng đất Ca-na-an. Cũng giống như chúng ta, chúng ta ghi nhận lời Chúa, bước vào sự yên nghỉ của Ngài.

Hê-bơ-rơ 4:1-6: Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. Vì tin Lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình. Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Nầy là lời thề ta đã lập trong cơn thạnh nộ: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta! Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế. Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài. Lại một chỗ khác có chép rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta. Như vậy, vì đã dành cho mấy người phải vào đó, và vì những kẻ nghe Tin Lành ấy trước nhất đã không vào đó bởi chẳng tin,

Ở đây nói về mối liên hệ giữa lời Chúa và sự yên nghỉ. Vì Tin Lành đã rao truyền cho họ nhưng họ đã không tin, họ không vâng lời và họ không thể bước vào sự yên nghỉ của Chúa. Bây giờ Tin Lành đã được rao truyền đến chúng ta, và cùng với đức tin. Chúng ta tin, vâng lời. Vì vậy chúng ta được vào sự yên nghỉ của Ngài. Vậy đây là lối vào đất Ca-na-an mà Chúa đã dạy chúng ta. Ngày nay liệu chúng ta có được vào miền đất hứa hay không nó phụ thuộc vào việc chúng ta đáp lại lời của Chúa như thế nào. Đây là miền đất hứa. Đây là vùng đất Ca-na-an. Chúng ta có lời Chúa ở đây, sữa và mật. Nhưng chúng ta có yên nghỉ trong lời Chúa không? Hay là chúng ta vẫn luôn tự hỏi về điều đó, vẫn không biết tìm kiếm sự yên nghỉ ở đâu? Sự vâng lời cho chúng ta bước vào sự yên nghỉ đó.

Vậy sau khi Chúa Giê-xu đề nghị “Hãy đến cùng ta và yên nghỉ” rồi tiếp tục trong đoạn 12 kề về lúc Ngài đi qua cánh đồng vào ngày Sa-bat. Bạn biết là nó thư giãn như thế nào rồi? Đi chậm chậm và nói chuyện. Rồi họ bứt lúa và ăn, bứt và ăn, thật nhàn nhã. Đó là thái độ chúng ta nên làm vào ngày Sa-bát. Đọc trong câu 2, người Pha-ri-si thấy điều đó liền “Nhìn kìa! Họ đang làm việc! Họ đang làm việc”. Một hoạt động thư giãn, họ không làm việc, họ có thức ăn nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng họ đang làm việc. Chúng ta thấy rằng với cách nhìn khác nhau, họ thấy những điều khác nhau. Bạn cũng biết các môn đồ của Chúa Giê-xu đang làm gì? Họ đang ăn những đồ ăn miễn phí, không cần phải làm, đó là đồ ăn miễn phí. Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng họ đang làm việc. Người Pha-ra-si có vấn đề chăng. Chúa Giê-xu chủ đích dùng thức ăn để phản đối sự tranh cãi của họ. Câu 4. Khi họ bước vào đền thờ và ăn “Thức ăn thánh”. Vậy tại sao tôi không thể ăn những bánh này và nói rằng đây cũng là làm việc sao?

Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều là các thầy tế lễ. Vào ngày Sa-bát, chúng ta thư thả bước đến nhà thờ. Hoặc thư thả lái xe đến nhà thờ. Hoặc đi xe buýt đến nhà thờ. Sau buổi thờ phượng buổi sáng, bạn có thức ăn miễn phí. Bạn không cần phải làm nhưng vẫn có thức ăn miễn phí. Và khi bạn đến nhà thờ, bạn có thức ăn thánh. Đây cũng giống như những gì mà Chúa Giê-xu và các môn đồ đã làm. Và chỉ có người Pha-ra-si là phản đối điều này thôi. Và điều tiếp theo khi Chúa Giê-xu chữa bệnh trong ngày Sa-bát, cũng bị những người Pha-ri-si xúc phạm, nhưng Chúa Giê-xu đã nói gì? “Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đang ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao?” Lúc trước, Chúa Giê-xu so sánh họ với những người nô lệ ở Ai Cập, mệt mỏi và gánh nặng. Bây giờ Chúa Giê-xu so sánh với cái quan trọng hơn, con người với động vật? Nếu bạn có thể cứu một con vật thì tại sao lại không có thể cứu con người? Và đó là sự chữa lành vào ngày Sa-bát. Bạn hãy đến với Chúa Giê-xu, sẽ có sự chữa lành.

Nghỉ ngơi là một quá trình chữa lành rất tốt. Đọc lại những câu gốc ở đoạn trước, Chúa Giê-xu đã trả lời các môn đồ của Giăng như thế nào? Ma-thi-ơ 11:5: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch. Hãy đến với Chúa Giê-xu, bạn sẽ tìm thấy sự yên nghỉ trong tâm hồn. Khi bạn bệnh, làm thế nào bạn nghỉ ngơi được? Khi bạn bệnh và có những gánh nặng bệnh tật trên bạn. Nhưng khi bạn đến với Chúa Giê-xu, tất cả những bệnh tật sẽ được chữa lành. Kẻ què được đi, kẻ mù đườc thấy. Bạn cũng thấy là có rất nhiều người khi họ tin nhận vào Chúa Giê-xu, mặc dù mắt họ không thể thấy, nhưng giống như là họ có thể thấy được. Mặc dù họ vẫn ngồi trên xe lăn, nhưng giống như là họ vẫn đang đi được. Đây là điều kỳ diệu khi chúng ta biết làm thế nào để đến với Chúa Giê-xu, bởi vì suy nghĩ của chúng ta sẽ thay đổi. Chúa Giê-xu đã nói khi thấy Giê-ru-sa-lem rằng: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh”. Bạn đã từ chối. Nhưng nếu chúng ta thật sự đến dưới cánh tay của Chúa, bạn sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra.

Thi-Thiên 36:7-9 - Hỡi Đức Chúa Trời, sự nhân từ Chúa quí biết bao! Con cái loài người nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa. Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thỏa nguyện; Chúa sẽ cho họ uống nước sông phước lạc của Chúa. Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa; Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng.

Đây là sự thỏa lòng và hạnh phúc mà chúng ta có ở dưới cánh tay của Chúa. Vậy Chúa Giê-xu nói rằng “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” Bạn có muốn đến không?

 

» True Jesus Church